'Sóng' đầu tư nước ngoài sẽ dồn mạnh hơn về Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/9/2022 | 11:24:18 AM

Từ đầu năm đến nay, mặc dù hoạt động xúc tiến đầu tư gặp nhiều khó khăn do sự đứt gãy cung ứng, hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài… nhưng TP. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả tốt trong thu hút vốn FDI. Phát huy những kết quả đó, Hà Nội đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm nhằm thu hút dòng vốn FDI trong những tháng cuối năm.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, 8 tháng năm 2022, Hà Nội thu hút 992,3 triệu USD vốn FDI, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 3 cả nước và đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tiếp tục là điểm đến hấp dẫn

Theo đó, số đăng ký đầu tư cấp mới của thành phố trong 8 tháng qua đạt 226 dự án với số vốn trên 140 triệu USD, với trên 120 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư.

'Sóng' đầu tư nước ngoài sẽ dồn mạnh hơn về Hà Nội
8 tháng đầu năm 2022, Hà Nội thu hút 992,3 triệu USD vốn FDI, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, số đăng ký cấp mới trong 8 tháng qua đạt 226 dự án với số vốn trên 140 triệu USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ; có trên 120 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với trên 374 triệu USD, tăng 16%.

Gần 260 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trị giá trên 476 triệu USD. Chỉ tính riêng tháng 8, TP Hà Nội có 36 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký trên 16 triệu USD. 19 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư trên 1,6 triệu USD.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP Hà Nội đang thúc đẩy hình thành mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng thu hút DN, nhà đầu tư… Nhưng để làm được điều này đòi hỏi trong thời gian tới các hoạt động xúc tiến, thương mại, du lịch cần hạn chế làm bề nổi, chuyển sang hoạt động thực tế đi vào chiều sâu, qua đó nâng cao hiệu quả trong tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu

Để tiếp tục phát huy lợi thế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong những tháng cuối năm 2022, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và EU... Phát huy tối đa kết nối giữa các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn với TP Hà Nội; Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, tìm hiểu tháo gỡ khó khăn cho DN đầu tư trong nước.

Cụ thể tổ chức đoàn công tác quảng bá môi trường đầu tư TP Hà Nội và nghiên cứu tiềm năng, đối tác đầu tư tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha; Tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch với Hàn Quốc ; Hội nghị "Hà Nội 2022 - Hợp tác, đầu tư và phát triển”.

Nhiều giải pháp thu hút FDI

Trước đó, nhằm chuẩn bị sẵn hạ tầng, TP Hà Nội đã ra Quyết định phê duyệt "Đề án thành lập từ 2-5 khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025”. Các khu công nghiệp dự kiến sẽ được thành lập gồm khu công nghiệp sạch Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng; Khu công nghiệp Phụng Hiệp.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đang xúc tiến triển khai dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho biết, tin tưởng vào chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam, cũng như của TP. Hà Nội, tập đoàn đã quyết định triển khai đầu tư 16 dự án tại Việt Nam từ nay đến năm 2025. Trong số đó, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư 3-4 dự án nữa tại Hà Nội.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để thu hút đầu tư có hiệu quả, việc đầu tiên Hà Nội phải làm là hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp phải xử lý rất tốt.

"Hạ tầng công nghiệp là các khu công nghiệp và nếu cải cách thị trường trong nước càng tốt, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài càng cao. Theo logic, nếu mở cửa hội nhập càng tốt càng thu hút được đầu tư chất lượng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều thuộc dòng đầu tư chất lượng cao sẽ tạo ra áp lực để buộc thành phố phải cải cách mạnh hơn nữa”, ông Thiên nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh kiến nghị, thời gian tới Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) làm đầu mối kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội qua đó tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, nội địa hóa sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động giao thương trên môi trường số, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hài hòa giữa truyền thống và điện tử…

Thực tế, TP. Hà Nội đã có kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Trên cơ sở đó, Thành phố đẩy mạnh tiếp nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (G7, G8, OECD), các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Thành phố, chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ...

Theo vnbusiness.vn

Tags đầu tư nước ngoài thu hút đầu tư xúc tiến đầu tư Hà Nội

Các tin khác

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32 về cụm công nghiệp và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự