Định hình, phát triển hệ thống khu công nghiệp chuyên sâu

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/8/2022 | 10:49:49 AM

Nghị định 35/2022/NĐ-CP là chính sách đúng đắn trong việc định hình, phát triển hệ thống KCN chuyên sâu. Nhà đầu tư tham gia vào các mô hình này ngoài các ưu đãi được hưởng theo quy định chung còn được hỗ trợ về thủ tục hành chính, tư vấn kỹ thuật,...

Đây là một trong những quy định tiến bộ, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển có chiều sâu, thu hút được nguồn vốn chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa "Made in Viet Nam”.

Định hình, phát triển hệ thống khu công nghiệp chuyên sâu
Các KCN, KKT vẫn là điểm nhấn thu hút đầu tư, được đánh giá là mô hình đầu tư ưu việt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương (Ảnh minh họa)

Yêu cầu từ thực tiễn

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cách đây hơn 30 năm, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ mở của và hội nhập với kinh tế thế giới. Tại thời điểm đó việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) là tiền đề và động lực để thúc đẩy sản xuất trong nước, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra bước đột phá, cải thiện nền kinh tế đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ trong vòng hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, đã có hàng trăm KCN đi vào hoạt động, hệ thống KCN, KKT của Việt Nam là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, các KCN, KKT vẫn là điểm nhấn thu hút đầu tư và được đánh giá là mô hình đầu tư ưu việt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương.

Để các KCN, KKT đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản, ngày 22/05/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý KCN và KKT. Nghị định 82 ra đời với những quy định cụ thể, rõ ràng đã giúp các địa phương trong cả nước thuận lợi hơn trong việc quy hoạch và phát triển mô hình các KCN, KKT tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chấp hành ngày càng tốt những quy định pháp luật, của địa phương.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VCCI, gần 05 năm triển khai Nghị định 82, do tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế đất nước, do tiến trình hội nhập sâu rộng của kinh tế toàn cầu dẫn đến một số quy định về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội của các KCN, KKT bắt đầu xuất hiện những hạn chế, bất cập. Việc phát triển KCN, KKT theo quy mô mở rộng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội; lợi thế cạnh tranh của KCN, KKT trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất trong KCN, KKT của Việt Nam còn hạn chế.

Trong bối cảnh đó, ngày 28/05/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT. Đây là việc làm thiết thực, kịp thời, phù hợp thực tiễn nhằm mục đích hoàn thiện và tạo đà cho tiến trình xây dựng một hành lang pháp lý góp phần hình thành những khu công nghiệp chuyên biệt, hiện đại, xanh, sạch và đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

"Dù được đánh giá là mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà, tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện, triển khai Nghị định số 35/2022 vẫn có những điểm nghẽn cần được tháo gỡ”, ông Hoàng Quang Phòng thẳng thắn nêu.

Nhiều điểm mới, tiến bộ

Luật sư Trần Đại Nghĩa, CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam cho biết, đối chiếu với các quy định thực tế thì Nghị định 35 vẫn còn có những vấn đề trở ngại cho việc áp dụng các quy định này ra ngoài thực tế. Vì vậy, cần làm rõ những trở ngại này và có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện trong các hệ thống pháp luật có liên quan, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của các KCN.

Theo Luật sư Trần Đại Nghĩa, trong Nghị định 35 đã có những điểm mới như:

Một là, sửa đổi bổ sung quy định về quy hoạch KCN, KKT để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Trong đó, Nghị định quy định rõ các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh KCN, KKT nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch KCN, KKT trong quy hoạch vùng, tỉnh.

Theo đó, các doanh nghiệp hiểu rõ các điều kiện phải tuân thủ khi thực hiện quy hoạch KCN, KKT và dễ dàng tiếp cận hệ thống quy hoạch KCN, KKT của các địa phương.

Hai là, về xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Các quy định giúp hạn chế việc đầu tư tràn lan KCN, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao khả năng chọn lọc các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo thu hút đầu tư vào các KCN có hiệu quả và chất lượng; hạn chế việc chuyển đổi diện tích đất lúa 02 vụ, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống người dân. Đối với doanh nghiệp: minh bạch hóa các điều kiện giúp các daonh nghiệp có căn cứ để thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng KCN.

Ba là, sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển KCN, KKT gồm bổ sung phương thức thu hút vốn đầu tư; Quy định về hoạt động chế xuất và về khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Việc thiếu sự thống nhất giữa các quy định của pháp luật khác nhau và chưa quy định một số điều chỉnh của KCN đã gây ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí là rủi ro pháp lý cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực thi các hoạt động đầu tư trong KCN đặc biệt là các hoạt động liên quan đến xây dựng nhà ở cho người lao động. Do vậy, việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định này nhằm điều chỉnh hoạt động đầu tư trong KCN giúp cho các chủ thể tham gia việc thực hiện quy định nêu trên tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu rủi ro trong quá trình áp dụng pháp luật.

Bốn là, về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong KCN. Khi xác định Danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phải đảm bảo quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tối thiểu là 2% tổng diện tích của các KCN.

Theo thống kê hiện nay, trung bình 92 lao động/ha đất công nghiệp; trong 100 ha đất tự nhiên thì trung bình có khoảng 70 ha đất công nghiệp. Do vậy, trung bình khoảng 6.400 lao động/100 ha đất tự nhiên khu công nghiệp. Căn cứ số liệu nêu trên và các quy chuẩn, định mức về nhà ở theo pháp luật về xây dựng, một KCN cần có quỹ đất để xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động tương ứng là 2% (khoản 4, Điều 4).

Như vậy, hoàn thiện cơ chế để đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN giúp gia tăng và bùng nổ số lượng nhà ở công nhân và số lượng các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, đóng góp quan trọng vào phát triển lĩnh vực nhà ở xã hội.

Năm là, các quy định đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ.

Đáng chú ý, việc áp dụng linh hoạt tỷ lệ lấp đầy 60% đối với các trường hợp trong Nghị định cũng tạo điều kiện cho các địa phương tại các vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn mở rộng cơ hội thu hút đầu tư các KCN, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp kinh tế của địa phương nói chung và cả nước nói riêng; khuyến khích phát triển các mô hình KCN ít thâm dụng lao động nhưng thâm dụng vốn, đảm bảo phát triển bền vững theo chiều rộng và chiều sâu.

Các thay đổi này giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận được cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phục vụ sản xuất kinh doanh; tăng niềm tin vào các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đồng hành, sát cánh và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Sáu là, bổ sung một số nội dung liên quan đến KCN và các mô hình KCN mới nhằm đẩy mạnh sự phát triển các loại hình KCN, KKT mới. Đây là các bổ sung mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư.

Theo đó, các quy định này là cơ sở giúp các doanh nghiệp phát triển các KCN giải quyết được các vấn đề nổi lên trong thời gian qua là nhu cầu phát triển các khu chuyên sản xuất một sản phẩm (điện tử, dệt may…) và KCN công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước; giúp các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khác nhau khi đầu tư vào các mô hình khu ở Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về KCN sinh thái, tạo niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào các mô hình hoạt động về KCN xanh, hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam và góp phần thúc đẩy chuyển đổi các KCN hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái, tăng việc làm có chất lượng tại địa phương thông qua cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường gắn kết và nâng cao lợi ích cộng đồng và trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh KCN.

Bảy là, giá cho thuê đất trong KCN. Nghị định bổ sung quy định về biện pháp xử lý trong trường hợp giá cho thuê lại đất trong KCN tăng trên 10% so với khung giá cho thuê lại đất đã đăng ký với Ban quản lý các KCN. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế giữa nhà đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư vào KCN.

Đối với doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, tăng niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có hai mặt. Đối với các nhà đầu tư mà mục tiêu đầu tư dự án nhằm tận dụng lợi thế về mô hình bất động sản KCN, nâng giá, chèn ép các nhà đầu tư thứ cấp về giá thì quy định này sẽ là rào cản không cho nhà đầu tư đạt được mục đích của mình. Đối với các nhà đầu tư nghiêm túc, có ý thức cao trong việc thực hiện các cam kết của mình, giải pháp đưa ra sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc duy trì môi trường đầu tư và những hệ quả pháp lý sẽ xảy ra trong trường hợp vi phạm cam kết với Nhà nước.

Tám là, bổ sung nội dung về Hệ thống thông tin quốc gia về KCN, KKT. Điều đó giúp giảm chi phí về thủ tục hành chính và các chi phí tuân thủ khác có liên quan cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc thực hiện các báo cáo trên Hệ thống. Ngoài ra, hệ thống còn nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến đầu tư thông qua việc các cá nhân và doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tra cứu các thông tin về pháp luật, môi trường đầu tư, thông tin ngành nghề, tình hình hoạt động của KCN, KKT để phân tích, đánh giá và đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn.

Đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong KCN, KKT: Có sự thuận lợi, nhanh chóng trong việc thực hiện công tác báo cáo trực tuyến cho các cơ quan quản lý; tăng niềm tin cho doanh nghiệp trong việc đầu tư vào KCN, KKT. Đối với các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, có thể tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu được phép công khai theo quy định.

Chín là, Nghị định 35 bãi bỏ quy định thành lập KCN. Việc cải cách quy định về thủ tục này giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, thời gian trong quá trình hoạt động, giúp làm giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động kinh doanh và đối với những người tham gia quản lý, vận hành việc kinh doanh.

Có thể đánh giá, Nghị định 35/2022/NĐ-CP là chính sách đúng đắn trong việc định hình phát triển hệ thống KCN chuyên sâu tại Việt Nam. Nhà đầu tư khi tham gia vào các mô hình này ngoài các ưu đãi được hưởng theo quy định của pháp luật nói chung thì còn được hỗ trợ về thủ tục hành chính, tư vấn kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin hợp tác đầu tư theo quy định. Đây là một trong những quy định tiến bộ, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển có chiều sâu, thu hút được những nguồn vốn chất lượng, cũng như tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa "Made in Viet Nam”./.

Theo Trần Nguyên/Thương hiệu & Công luận

Tags khu công nghiệp hệ thống KCN chuyên sâu chính sách Nghị định 35/2022/NĐ-CP

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục