Ảnh minh hoạ. ITN
Quan điểm:
- Phát triển nhanh, bền vững các cụm liên kết ngành kinh tế biển tạo dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia gắn kết với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển các vùng, ngành, lĩnh vực có liên quan.
- Phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển trên cơ sở phát huy lợi thế của từng khu vực vùng biển và ven biển, liên kết liên ngành, liên tỉnh khai thác, sử dụng hiệu quả cao các nguồn lực, nguồn tài nguyên biển đi đôi với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa lịch sử, kết hợp chặt chẽ với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh tại các vùng biển, đảo.
- Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát triển ở những khu vực vùng biển và ven biển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia với các ngành lĩnh vực kinh tế biển có thế mạnh ưu tiên phát triển nhanh để nâng cao sức cạnh tranh quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
- Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, đi liền với phát triển cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần chủ thể tham gia liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh, tạo dựng môi trường phát triển các ngành nghề kinh tế biển có sức thu hút, hấp dẫn cao.
- Huy động các nguồn lực của trong nước và nước ngoài, sự tham gia của các cấp, ngành và khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa của con người Việt Nam, ý chí tự cường vươn lên của doanh nghiệp, xã hội vào phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia.
Mục tiêu:
Tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển và ven biển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.
Tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030.
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trong đó phát triển được 3-4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á.
Các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,2 lần trở lên.
Phương hướng phát triển chung của Đề án:
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển với các thành phần chủ yếu gồm doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức, cơ sở cung ứng dịch vụ, hạ tầng chuyên dụng kinh tế biển, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, thương mại, hội ngành nghề liên quan và tham gia của các cấp, ngành nhất là của các địa phương ven biển. Phát triển trên cơ sở nhu cầu hoạt động, hợp tác của doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở kinh tế và yêu cầu phát triển bền vững không phụ thuộc vào ranh giới hành chính. Liên kết ngành, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động ở ven biển và trên biển đảo gắn với kết nối với mạng lưới cơ sở liên quan ở trong nội địa, kết nối liên kết giữa các cụm liên kết ngành và với quốc tế.
Phát triển cụm liên kết ngành với các ngành ưu tiên theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam có lợi thế phát triển tại vùng biển và ven biển nhất là các ngành sản phẩm, dịch vụ kinh tế biển có chuỗi giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, đóng góp vào tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, ngành nghề kinh tế biển góp phần củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh vùng biển đảo. Trong đó, phát triển du lịch biên, đảo là một trong những trọng tâm ưu tiên trên cơ sở liên kết phát triển khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch của từng vùng và toàn bộ dải ven biển Việt Nam. Đặc biệt phát triển mạnh kinh tế du lịch với các trung tâm, khu tổ hợp du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng biển, đảo có chất lượng cao, mang tầm quốc tế ở những cụm liên kết ngành kinh tế biển tại miền Trung, khu vực vùng biển Tây Nam (Kiên Giang- Cà Mau) và những khu vực vùng biển có điều kiện phù hợp.
Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm, có lợi thế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh đa ngành của quốc gia có sức cạnh tranh hội nhập quốc tế cao và từng bước mở rộng ra toàn vùng. Chú trọng phát triển, liên kết ngành gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển lưỡng dụng kết hợp kinh tế với quốc phòng tại những khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh biển đảo của đất nước. Tập trung tạo dựng, hình thành các khu vực thu hút phát triển mạnh các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh tế biển có liên quan với nhau cùng nhau hoạt động và liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh tạo thành những trung tâm kinh tế biển của quốc gia về ngành, đa ngành kinh tế biển gắn với các khu cảng biển quốc tế, khu kinh tế, thành phố lớn ven biển, vùng du lịch, vùng khai thác sản xuất lớn ở ven biển, trên biển. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp lớn, dự án đầu tư có quy mô lớn, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến ở những khu vực trọng điểm tạo hạt nhân, động lực phát triển và lan tỏa mở rộng cụm liên kết ngành kinh tế biển.
Phát triển mạnh các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ biển, dịch vụ gắn với kinh tế biển đạt chuẩn quốc tế, tầm quốc tế như dịch vụ hậu cần cảng biển, hàng hải, logistics, dịch vụ hậu cần, kỹ thuật trên biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, y tế biển, bảo vệ môi trường biển, dịch vụ an toàn cho các hoạt động trên biển, dịch vụ khảo sát, nghiên cứu biển, dịch vụ khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực kỹ thuật ngành nghề kinh tế biển, dịch vụ thương mại, tài chính liên quan đến kinh tế biển tại các khu vực trọng điểm trung tâm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển, xây dựng phát triển là các trung tâm dịch vụ hàng hải, dịch vụ biển, dịch vụ kinh tế biển của vùng, cả nước và có tầm quốc tế.
Phối hợp các cấp, ngành xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, mô hình quản lý; tổ chức bố trí, sắp xếp không gian các hoạt động, xây dựng, kết nối cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra tại từng khu vực vùng biển và ven biển. Gắn phát triển cụm liên kết ngành với cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển, hình thành các mô hình phát triển bền vững kinh tế biển như các khu cảng xanh, khu công nghiệp sinh thái, vùng khai thác, sản xuất kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái biển.
Tùng Lâm