Theo quy hoạch phát triển làng nghề đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hoạt động sản xuất làng nghề đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội xong cũng còn nhiều điểm cần lưu ý trong công tác bảo vệ môi trường.
Huyện Ủy, HĐND, UBND huyện Phú Xuyên
Trong bức tranh phát triển làng nghề chung của thủ đô Hà Nội, huyện Phú Xuyên từ lâu đã được mệnh danh là "đất trăm nghề” với 154/154 làng có nghề, trong đó có 43 làng được thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Là đầu mối giao thông kết nối với trung tâm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, sản phẩm của các làng nghề tại huyện Phú Xuyên đang được đem đi tiêu thụ khắp cả nước và cả nước ngoài.
Nhiều làng nghề của huyện rất nổi tiếng như: May mặc Vân Từ, giày da Phú Yên, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; khảm trai Chuyên Mỹ; mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; tò he Xuân La, bánh kẹo Cổ Đường… Các làng nghề hoạt động đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 25.400 hộ, 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 40% tổng số lao động toàn huyện), đóng góp cho ngân sách địa phương hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo ra những phố nghề sầm uất mang nét đặc trưng riêng của một huyện phía Nam Thủ đô.
Nhằm phát triển làng nghề theo hướng bền vững, Uỷ ban nhân dân huyện Phú Xuyên đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường với mục tiêu ngày càng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về việc bảo vệ môi trường, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay, ngăn chặn kịp thời việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm mới, góp phần bảo vệ sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, phá triển kinh tế, xã hội.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND huyện Phú Xuyên yêu cầu các đơn vị chức năng vận dụng hiệu quả các công cụ chính sách, pháp luật vào công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho làng nghề truyền thống. Thường xuyên đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, xác định danh sách các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng để có biện pháp khắc phục. Huyện tiến hành xử lý các cơ sở có loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả, lập kế hoạch di dời vào điểm tiểu thủ công hoặc cụm công nghiệp, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, không để hình thành mới các cơ sở sản xuất thuộc loại hình gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực dân cư nông thôn.
Thời gian qua, cơ quan chức năng của huyện Phú Xuyên đã tổ chức nhiều cuộ thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề hoặc cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu vực dân cư nông thôn. Qua đó, đánh giá mức độ ô nhiễm, tình trạng xử lý chất thải, công khai minh bạch thông tin về mức độ ô nhiễm và cập nhật thông tin các làng nghề ô nhiễm nặng.
Huyện đã triển khai lập và phê duyệt phương án bảo về môi trường làng nghề, rà soát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các điểm tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp. Hằng năm, huyện đều lập và tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình bảo vệ môi trường đối với các điểm tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định; Khuyến khích và tạo điều kiện thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng Hương ước, Quy ước về bảo vệ môi trường trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; Triển khai thu các loại phí bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo nguồn thu cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải trên địa bàn.
Hoạt động giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng được huyện Phú Xuyên tổ chức thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng các khoá đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường làng nghề cho cán bộ cấp xã, thị trấn, các khoá về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải từ hoạt động của các cơ sở trong làng nghề được cơ quan chức năng quản lý triệt để và hiệu quả; Kiểm soát chặt các điểm tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời việc phát sinh và xử lý chất thải nguy hại trái với các quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường làng nghề, huyện Phú Xuyên đã phân công tổ chức và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban ngành đến các UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan chủ động phối hợp thực hiện một cách hiệu quả, chung tay bảo vệ môi trường và xây dựng làng nghề phát triển bền vững./.
Minh Tuyết