Sáng 12/7, thảo luận tại hội trường, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, đại biểu Vũ Tấn Cường, Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND tỉnh (tổ đại biểu huyện Hiệp Hòa) đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Vũ Tấn Cường phát biểu thảo luận.
Theo đại biểu Vũ Tấn Cường, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo công tác quản lý, thu hút đầu tư vào các khu, CCN trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã thành lập 8 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích 1.792,5 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 1.228,7 ha. Toàn tỉnh đã thành lập 45 CCN, với tổng diện tích 1.728 ha; hiện đã có 31/45 CCN đi vào hoạt động, tổng diện tích 969 ha.
Kết quả hoạt động của các dự án trong các khu, CCN có đóng góp ngày càng lớn vào GRDP của tỉnh, trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh thời gian qua.
Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản để quản lý, phát triển các khu, CCN chưa kịp thời, đầy đủ, như: UBND tỉnh chưa ban hành thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý nhà nước đối với các KCN cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ (nay được thay thế bởi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022); chưa ban hành Quy chế quản lý CCN theo quy định Thông tư số 28/2020/TT-BCT ngày 16/11/2020 của Bộ Công Thương.
Tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật một số khu, CCN chậm dẫn đến "quỹ đất công nghiệp sạch” không còn nhiều, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Trong khi đó, một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN chỉ quan tâm đến đầu tư xây dựng phần diện tích đất công nghiệp cho thuê, chưa quan tâm đầu tư hạ tầng cây xanh, bãi đỗ xe…
Đặc biệt, công tác đầu tư hạ tầng và quản lý các CCN do các Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện làm chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đến nay mới có 7/16 CCN có trạm xử lý nước thải tập trung. Vai trò của Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN được UBND huyện giao quản lý các CCN còn mờ nhạt, lúng túng.
Chất lượng thu hút đầu tư hạn chế, công nghệ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút vào các KCN ở mức trung bình, chủ yếu là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp; sức "lan tỏa” của các doanh nghiệp FDI đối với các doanh nghiệp trong nước hạn chế.
Đại biểu Vũ Tấn Cường cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác quản lý, thu hút đầu tư vào các khu, CCN trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung xây dựng tiêu chí, chỉ số cụ thể làm cơ sở lựa chọn dự án đầu tư, xác định các ngành nghề trọng tâm phát triển công nghiệp của tỉnh.
Trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút FDI cần quán triệt nguyên tắc: lợi ích kinh tế của các dự án đầu tư mang lại cho tỉnh phải được đánh giá trên các chỉ tiêu về tăng trưởng bao trùm (phải tính đến vấn đề xã hội - phân phối thu nhập), tăng trưởng xanh (tính đến công tác bảo vệ môi trường - tăng trưởng sau khi trừ đi các chi phí tiêu cực khác), không đơn thuần chỉ đánh giá về tăng trưởng GRDP (không phát triển kinh tế bằng mọi giá).
Xây dựng các "đặc trưng”, "thương hiệu” của tỉnh trong thu hút đầu tư. Hiện nay, một trong những chỉ tiêu có thể lượng hóa thể hiện nét đặc trưng, thương hiệu của tỉnh đó là chỉ số PCI, do đó cần có giải pháp nâng hạng chỉ số PCI của tỉnh, tập trung vào các chỉ số: Hạ tầng cơ sở, tính năng động, tiên phong của chính quyền, cải cách hành chính…
Đẩy nhanh tiến độ thành lập, mở rộng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, CCN để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Rà soát tình hình hoạt động các CCN hình thành trước năm 2018 để có giải pháp khắc phục những bất cập hạn chế tại các khu vực này, nhất là việc đầu tư hạ tầng khu xử lý nước thải tập trung.
Tăng cường công tác hậu kiểm sau chấp thuận đầu tư; rà soát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu, CCN để kịp thời phát hiện các dự án đã thay đổi mục tiêu hoạt động, vi phạm về xây dựng, bảo vệ môi trường để xử lý khắc phục.
Theo Báo Bắc Giang