Nhiều bức xúc của doanh nghiệp được nêu ra trong toạ đàm trao đổi, giải đáp thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.HCM ngày 8/6. Ảnh: B.D
Lòng vòng nhiều nơi, dự án treo 3 năm không xây dựng được
Ông Thái Thanh Hải, đại diện Công ty TNHH đầu tư công nghệ cao Việt Nam – Japan cho biết, dự án của công ty ở Khu công nghệ cao đã được Ban quản lý Khu công nghệ cao cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2019. Tuy nhiên từ đó cho đến nay, công ty chưa thể triển khai xây dựng dự án vì vướng mắc quá nhiều trong thủ tục điều chỉnh quy hoạch.
"Tháng 4/2021, chúng tôi nhận được thông báo của UBND TP hướng dẫn doanh nghiệp phải phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao, UBND TP.Thủ Đức để điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Khi làm việc với Ban quản lý, chúng tôi được hướng dẫn là đơn vị điều chỉnh quy hoạch cục bộ là UBND TP.Thủ Đức. Chúng tôi đã thực hiện theo hướng dẫn, gửi hồ sơ đến UBND TP.Thủ Đức thì nhận được phản hồi các chỉ số hoàn toàn phù hợp và hướng dẫn gặp Sở Xây dựng. Sở Xây dựng lại hướng dẫn quay về Ban quản lý để xin giấy phép xây dựng.
Đến đây thì mắc kẹt vì Ban quản lý cho rằng các công văn hướng dẫn này không thay thế cho quy hoạch điều chỉnh cục bộ. Gần đây nhất, ngày 24/5/2022, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản nêu rõ việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải do UBND TP.Thủ Đức giải quyết. Hiện giờ chúng tôi không biết phải liên hệ bộ phận nào, thời gian trong bao lâu trong khi dự án đã bị treo gần 3 năm nay, công ty gặp rất nhiều khó khăn", ông Hải bức xúc.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng vướng mắc không khác gì Công ty TNHH đầu tư công nghệ cao Việt Nam – Japan. Có doanh nghiệp hỏi về quy hoạch 1/500 đã trình UBND TP Thủ Đức được 17 tháng. UBND TP.Thủ Đức phản hồi vướng chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật. Ban quản lý Khu công nghệ cao đã xác nhận doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí này, UBND TP.HCM cũng đã giao UBND TP.Thủ Đức phối hợp Sở Tư pháp, các ban ngành giải quyết cho doanh nghiệp. Nhưng cho đến nay, do vướng quy hoạch 1/500 nên doanh nghiệp chưa thể thực hiện dự án.
Đại diện một công ty chiếu sáng ở Khu công nghệ cao cho biết, họ được cấp phép đầu tư năm 2010, trong giấy phép ghi rõ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng đến nay đã 12 năm họ không được hưởng ưu đãi này. Theo quyết định phê duyệt đồ án Khu công nghệ cao năm 2003 thì công ty nằm trong phân khu trung tâm quản lý điều hành thương mại dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật, chức năng trong phân khu thể hiện rõ dự án là toà nhà văn phòng cho thuê và các ngành dịch vụ công nghệ cao, nhưng khi công ty cho doanh nghiệp thuê thì lại gặp khó vì không được xác nhận là doanh nghiệp làm dịch vụ công nghệ cao.
Đại diện các sở, ngành tham gia giải đáp cho doanh nghiệp tại toạ đàm. Ảnh: B.D
Sẽ tìm cách giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp khu công nghệ cao
Theo đại diện Phòng quản lý quy hoạch TP.Thủ Đức, hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp đều liên quan đến vướng mắc quy hoạch chi tiết 1/500 và quy hoạch cục bộ 1/500.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai của doanh nghiệp bị chậm do vướng rất nhiều thủ tục. Trong đó, vướng về đất đai chủ yếu gắn với việc ban hành quyết định cho thuê đất. Cụ thể là liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chuyển giao từ Luật Đất đai năm 2003 đến Luật Đất đai 2013, Ban quản lý Khu công nghệ cao có thiếu sót là không ban hành quyết định cho thuê đất trong khi đây là cơ sở pháp lý để giải quyết những thủ tục hành chính về sau.
Ban quản lý đã có báo cáo UBND TP và tháo gỡ cho 24 trường hợp vướng mắc do thiếu quyết định cho thuê đất. Hiện qua rà soát còn 48 trường hợp đang gặp vướng mắc tương tự, Ban quản lý đã trình UBND TP giải quyết.
Ông Thi cho biết, ngay sau hội nghị này Ban quản lý Khu công nghệ cao sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để tháo gỡ vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp. Vấn đề nào chưa giải quyết sẽ kiến nghị với UBND TP.HCM để có hướng giải quyết cho doanh nghiệp về vấn đề quy hoạch.
Người lao động đang được tư vấn tại Ngày hội giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: B.D
Ông Thi cho biết thêm, có một điểm bất cập là quy hoạch Khu công nghệ cao như một tiểu đô thị nhưng tư duy theo hướng công nghiệp, phân ra từng khu sản xuất, dịch vụ. Ban quản lý sẽ làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc và các sở ngành liên quan để thí điểm tháo gỡ khó khăn về vấn đề này. "Trong tư duy đô thị, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất dịch vụ công nghệ cao thì phải có những doanh nghiệp dân sinh để phục vụ dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ khác liên quan", ông Thi khẳng định.
-------------------------
Ngày 8/6, tại Khu Công nghệ cao TP.HCM đã diễn ra Ngày hội giải quyết thủ tục hành chính với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp".
Chương trình do Công đoàn Viên chức TP.HCM, Sở Nội vụ TP.HCM và Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM phối hợp thực hiện. Tại ngày hội, 6 thủ tục hành chính được các đơn vị tiếp nhận và giải quyết trong ngày gồm: Thủ tục ngừng hoạt động đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ban quản lý Khu công nghệ cao; thủ tục đổi giấy chứng nhận đầu tư; chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư; cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài; gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài; cấp lại hoặc hiệu đính giấy chứng nhận đầu tư.
Tại ngày hội, "Văn phòng tư vấn pháp luật miễn phí tại Khu công nghệ cao" cũng ra mắt gắn với hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động, doanh nghiệp liên quan các lĩnh vực thuế, bảo hiểm, hải quan, cấp phép lao động, việc làm và cấp phiếu lý lịch tư pháp, hoạt động 1 buổi/tuần.
Ngoài ra, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã thực hiện ký kết liên tịch với các sở ngành liên quan để giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp như: Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; cấp phiếu lý lịch tư pháp; cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Theo danviet.vn