Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 4.869 triệu USD
Báo cáo của Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội cho thấy, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý thu hút đầu tư được 4 dự án mới vốn đăng ký 1 triệu USD và 450 tỷ đồng; 12 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 60 triệu USD và 30 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư 81 triệu USD quy đổi. Dự kiến thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm đạt 100 triệu USD (đạt 25% so với kế hoạch năm 2022, bằng 45% so với cùng kỳ năm 2021).
Số dự án thứ phát đến nay là 707 dự án đang hoạt động, trong đó có 305 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,1 tỷ USD; 402 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng. Về kết quả sản xuất kinh doanh, ước 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN là 4.869 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước 238,5 triệu USD; xuất khẩu 3.124 triệu USD.
6 tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội phấn đấu tổng vốn thu hút đầu tư trong các KCN năm 2022 đạt khoảng 400 triệu USD (tăng 28,8% so với năm 2021). Triển khai thành lập 1 KCN mới và hoàn thành thủ tục đầu tư 2 - 3 KCN, khu CNC. Còn về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN, phấn đấu doanh thu đạt 8.200 triệu USD; nộp ngân sách 229,4 triệu USD…
Quang cảnh lễ ký kết
Tại buổi lễ, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và lãnh đạo 9 quận, huyện đã ký kết Quy chế phối hợp công tác gồm 3 chương, 15 điều, nội dung bám sát các quy định của trung ương và thành phố về quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp. Trong đó, các đơn vị sẽ tập trung phối hợp trên các lĩnh vực công tác về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai và trật tự xây dựng; công tác quản lý nhà nước về đầu tư; tài nguyên, môi trường; lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và người lao động; công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ; công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.
Việc ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy mối quan hệ công tác giữa Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy, lãnh đạo UBND các quận, huyện ngày càng bền chặt, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và Thủ đô Hà Nội.
Chủ động tham mưu để thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN&CX và UBND các quận, huyện đã phối hợp khá hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với các Khu công nghiệp. Theo đó, đã kịp thời tham mưu với Thành ủy, UBND TP trong công tác xây dựng, phát triển các khu công nghiệp; kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề đột xuất phát sinh trong khu công nghiệp, giải quyết kịp thời các vụ đình công, lãn công của người lao động, duy trì đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, không để xảy ra các vụ cháy lớn trong khu công nghiệp.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong hai năm qua, UBND các quận, huyện và Ban Quản lý đã phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác kiểm soát và phòng chống dịch trong KCN. Qua đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN được duy trì, góp phần thiết thực vào công tác phục hồi và phát triển kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước đối với các KCN, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, tập trung phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch các KCN và dự án đầu tư KCN không còn phù hợp và đề xuất bổ sung quy hoạch, thành lập mới các KCN với vị trí, quy mô phù hợp, đảm bảo đồng bộ hạ tầng phát triển công nghiệp với hạ tầng xã hội phục vụ các KCN.
Bên cạnh đó, phối hợp rà soát quy hoạch, xác định vị trí và bố trí quỹ đất theo quy hoạch để triển khai xây dựng nhà ở xã hội và các thiết chế công đoàn đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại các KCN, khu công nghệ cao trên địa bàn TP. Triển khai thành lập, sớm đưa vào vận hành khai thác và thu hút dự án đầu tư vào 5 KCN mới trong giai đoạn 2021-2025. Tăng cường phối hợp, trao đổi, nắm bắt thông tin và tình hình doanh nghiệp trong các KCN để giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh. Duy trì thực hiện tốt chế độ thông tin, trao đổi, phối hợp công tác giữa các phòng, ban, đơn vị.
Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long phát biểu tại buổi lễ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long khẳng định sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện tốt quy chế phối hợp vừa ký kết, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại các khu công nghiệp. Đồng chí mong muốn sẽ nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các quận, huyện để triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp, qua đó góp phần phát triển kinh tế Thủ đô./.
PV (T/h)