Hải Phòng cần quy hoạch vùng tập trung để phát triển bền vững nghề chế tác đá

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/5/2022 | 10:54:21 AM

Hơn 10 năm trở lại đây, tại 2 xã Trường Thành và An Tiến thuộc huyện An Lão (Hải Phòng) ven theo quốc lộ 10 có trên 50 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ ra đời. Nước thải, khói bụi, tiếng ồn tại làng nghề tự phát này đang trở thành “bài toán khó” của chính quyền địa phương.

Từ lâu, việc chế tác đá ven Quốc lộ 10 trên địa bàn xã An Tiến và Trường Thành, huyện An Lão (Hải Phòng) gây tiếng ồn, bụi gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân xung quanh. Không những thế, những hộ kinh doanh tại đây bày sản phẩm xâm lấn hành lang an toàn đường bộ, mất an toàn giao thông.



Nằm sát Quốc lộ 10, các cơ sở chế tác đá này đều "cố gắng” tập kết hàng xâm lấn hành lang an toàn đường bộ, càng nhiều càng tốt để mong bày sản phẩm của mình nổi bật, đập vào mắt những khách hàng tiềm năng đi qua khu vực này.



Đá để chế tác được nhập tại Thanh Hoá, Ninh Bình, Yên Bái …hàng ngày, khi việc mua bán, giao dịch được thực hiện, theo đó là những xe cẩu lớn nhỏ chở hàng về các tỉnh phía bắc. Vì nằm sát quốc lộ, khi lên xuống hàng, những xe này thường nằm phần lớn ngoài Quốc lộ 10, một con đường có mật độ lưu thông lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông.



Trong khi bụi mịn và nguy cơ mất an toàn giao thông là những gì người đi đường phải hứng chịu thì những người dân xung quanh khu vực này còn bị "tra tấn” bởi tiếng ồn do hoạt động đục đẽo, mài, cắt đá… suốt ngày đêm. Những người công nhân chế tá đá thì toàn thân màu trắng vì bụi bám.



Ông Dương Đức Tín, một người dân sống cạnh xưởng chế tác đá ven QL10 chia sẻ, không chỉ bụi bặm ô nhiễm mà tiếng ồn từ hoạt động đục đẽo rất khó chịu. Trời mưa nước thải từ khu vực sản xuất đá chảy lênh lãng ra đường, trời nắng thì khói bụi triền miên cả ngày, ai nấy đi qua đều phải mắt nhắm mắt mở, lấy tay che mặt.



Vũ Thanh Phán – Phó Chủ tịch UBND xã An Tiến cho biết, làng nghề làm đá tại An Tiến khởi nguồn từ những năm kháng chiến chống Mỹ, lúc đầu chỉ là hoạt động làm chầy, cối đá từ núi Voi. Hiện nay trên địa bàn xã có gần 40 xưởng chế tác đá mỹ nghệ đang hoạt động, chủ yếu là chế tác bia, mộ, có quy mô lớn. UBND xã thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở các chủ cơ sở có biện pháp bảo vệ môi trường, không xâm lấn hành lang giao thông. 100% các hộ kinh doanh đều ký cam kết bảo vệ môi trường.



Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, các cơ sở sản xuất, chế tác đá tại ven Quốc lộ 10, địa phận xã Trường Thành, An Tiến có quy mô tương đối lớn. Hầu hết đều đầu tư máy cắt đá khổ lớn, máy cẩu, máy đục CNC hiện đại.



Tuy có quy lớn, đầu tư máy móc hiện đại, nhưng hầu hết các hộ đều không có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. Một công nhân tại xưởng đá mỹ nghệ Duy Phương cho biết, để giảm bụi thì có thể sử dụng dàn phun sương, nhưng hầu hết các xưởng ở đây không sử dụng vì sử dụng máy mài tay, dây điện kéo "loằng ngoằng” … có thể gây chập nổ điện. Để giảm bớt bụi cho mình, những công nhân chế tác dùng những chiếc quạt công nghiệp thổi bụi, còn bụi bay đi đâu thì kệ !



Được biết, năm 2018 UBND TP Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo, giao UBND huyện An Lão khẩn trương kiểm tra cụ thể, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các điểm gia công đồ đá gây bụi, ô nhiễm môi trường. Huyện An Lão đã yêu cầu 53 cơ sở sản xuất, kinh doanh điêu khắc chấp hành cam kết BVMT, hành lang an toàn giao thông đường bộ.



Ông Nguyễn Duy Miện, Chủ tịch UBND xã Trường Thành cho biết, tuy hoạt động chế tác đá có ô nhiễm, so với các ngành khác phát thải từ ngành này không nhiều. Những dạng ô nhiễm đơn giản này chủ yếu là bụi đá, rỉ nước chứa bột đá … đơn giản có thể xử lý được. UBND xã cũng đã có ý kiến lên Huyện đề nghị quy hoạch vùng để các hộ kinh doanh hoạt động sản xuất ổn định, tạo công ăn việc làm cho người dân.



Thực tế cho thấy, các hộ kinh doanh đều đã ký cam kết, nhưng ký là ký, vẫn chưa có biện pháp bảo vệ môi trường được thực hiện, vẫn lẫn hành lang an toàn đường bộ. Có lẽ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng cần một giải pháp căn cơ, quyết liệt … quy hoạch thành cụm sản xuất tập trung, đưa các cơ sở chế tác đá vào hoạt động, có các biện pháp bảo vệ môi trường đồng bộ, hiệu quả để phát triển bền vững.

Theo Báo TN&MT

Tags Hải Phòng quy hoạch chế tác đá

Các tin khác

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Việc xây dựng môi trường, tạo cảnh quan xanh tại Khu Công nghiệp (KCN) Long Đức (Trà Vinh) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần xây dựng “lá phổi xanh” vừa nâng cao sức khỏe cho công nhân và người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự