Ngày 12-5, Tổng Công ty Becamex IDC, Water:hub Đông Nam Á cùng Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Tiểu ban Tăng trưởng xanh EuroCham đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Các giải pháp tiên tiến về quản lý nguồn nước cho các khu công nghiệp (KCN)”. Hội thảo có sự tham dự của ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Ủy ban Lĩnh vực Tăng trưởng xanh Eurocham; ông Frank Pogade, Giám đốc điều hành Giải pháp nước Đông Nam Á và ông Lý Duy Khiêm, Giám đốc Nguồn nước Becamex IDC, các nhà quản lý cấp cao từ các công ty công nghiệp hoạt động trong các KCN…
Toàn cảnh hội thảo "Các giải pháp tiên tiến về quản lý nguồn nước cho các khu công nghiệp”
Tại buổi hội thảo, ông Lý Duy Khiêm đã nêu bật vai trò, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Chiến lược thành phố thông minh của Bình Dương và chiến lược tăng trưởng của Becamex IDC gắn liền với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đầu tư xây dựng mới và cải tạo các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, nâng cao an toàn, tự động hóa và tối ưu hóa chi phí vận hành. Ngoài ra, ông Khiêm cũng nêu một số thách thức và đề xuất hướng đi trong tương lai trong việc không ngừng nâng cao chất lượng nước và thúc đẩy phát triển bền vững trong các KCN.
Hiện Becamex IDC đã đưa vào triển khai các dự án liên quan đến nước đã và đang triển khai trong các KCN, đóng vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ nhu cầu liên quan đến nước của hàng ngàn nhà đầu tư. Phía Becamex nỗ lực hoàn thiện quy chế, quy trình môi trường. Hiện nay, hệ thống quản lý môi trường của Becamex đạt và duy trì chứng nhận ISO 14001 từ năm 2021. Becamex IDC cũng đã đầu tư vào các nhà máy XLNT tại các KCN Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 3, nhà máy tại tỉnh Bình Định. Việc chuyển đổi số công tác quản lý, vận hành nhà máy XLNT được chú trọng với việc giám sát vận hành và điều khiển từ xa, giám sát kỹ lưu lượng và chất lượng nước thải, kiểm soát chi phí vận hành, tích hợp phần mềm SMARTIN để quản lý các nhà máy XLNT… tất cả dữ liệu được kết nối về Trung tâm Điều hành (IOC)….
Hiện phía Becamex IDC triển khai thực hiện dự án cải thiện chất lượng mặt nước phục vụ phát triển bền vững khu vực Bàu Bàng bằng việc tăng cường chất lượng nước thải sau xử lý, bảo vệ môi trường tiếp nhận; kết nối hồ, kênh, suối trong khu vực Bàu Bàng để tuần hoàn và tạo dòng chảy cảnh quan; tái sử dụng nước cho tưới cây, rửa đường, tạo nguồn nước cho nhà máy cấp nước sinh hoạt…
Ông Lý Duy Khiêm cho biết phía Becamex IDC cũng đánh giá kỹ những thách thức đặt ra về các nguồn xả thải trong và ngoài KCN cũng như việc phục hồi tài nguyên; đồng thời đưa ra các phương hướng trong thời gian sắp tới là tiếp tục thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp các KCN và khu đô thị bằng cách duy trì ISO 14001, thực hiện quy chế xanh, sạch, đẹp, cải tiến các quy trình; bảo đảm xử lý đạt về chất lẫn lượng tất cả chất thải phát sinh trong KCN; hoàn thiện và triển khai áp dụng các giải pháp tuần hoàn nước để bảo đảm chất lượng nguồn nước mặt và hướng tới tái sử dụng.
Trong khi đó, ông Frank Pogade đã đề cập đến nhiều thách thức liên quan đến nước như lũ lụt, cấp nước, chính sách và quy định, tài trợ, vận hành và bảo dưỡng, nguồn nước, giám sát thiếu hụt, thiếu cơ cấu xanh, quản lý và đối xử nước thải, khuyến khích người tham gia đóng góp ý kiến.
Tại hội thảo, nhiều sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức về an ninh nguồn nước của Việt Nam đã được đề cập bao gồm các giải pháp dựa vào thiên nhiên và cơ sở hạ tầng xanh, thu hoạch nước mưa, tái chế nước xám, quản lý nước mưa, biến các thông số không thể kiểm soát trong mạng lưới thành các thông số có thể kiểm soát được để quản lý các thông số cao nhất, tích hợp với hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) cho phép vận hành, quản lý và cung cấp nước thông minh.
Nhiều chủ đầu tư công nghiệp và người thuê đất từ chủ đầu tư KCN đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến nước và các vấn đề này vẫn đang tiếp tục là vấn đề nhức nhối: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước thô cạn kiệt và ô nhiễm môi trường. Chi phí cấp nước và XLNT ngày càng tăng trong khi các yêu cầu pháp lý ngày càng khắt khe hơn. Việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý vẫn còn là một khái niệm chưa được biết đến ở Việt Nam nhưng mang lại những lợi ích to lớn như tiết kiệm chi phí và giảm thiểu dấu chân sinh thái. Tín chỉ carbon hiện đang là tâm điểm chú ý của nhiều nhà phát triển công nghiệp, cung cấp các lựa chọn và khuyến khích để giảm lượng khí CO2 và thậm chí kiếm thêm thu nhập.
Tại hội thảo, nhiều sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức về an ninh nguồn nước của Việt Nam đã được đề cập bao gồm các giải pháp dựa vào thiên nhiên và cơ sở hạ tầng xanh, thu hoạch nước mưa, tái chế nước xám, quản lý nước mưa, biến các thông số không thể kiểm soát trong mạng lưới thành các thông số có thể kiểm soát được để quản lý các thông số cao nhất, tích hợp với hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) cho phép vận hành, quản lý và cung cấp nước thông minh./.
PV (T/h)