Các dự án khu công nghiệp dược liên tiếp được triển khai có thể coi là ‘đòn bẩy chiến lược’ để biến Việt Nam thành một trung tâm R&D cũng như sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.
Hiện nay, mô hình phát triển các khu công nghiệp trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa và phát triển bền vững, đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh. Trong khi đó, các khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là nhanh chóng lấp đầy diện tích.
Ảnh minh hoạ
Trong vài năm gần đây, một số loại hình khu công nghiệp chuyên sâu đã dần hình thành với tính chuyên ngành sâu cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, cơ chế hoạt động, mô hình quản lý, thiết kế hạ tầng, nhà xưởng, dịch vụ tiện ích khác biệt so với mô hình KCN trước đây. Mô hình này đã khá thành công với một số lĩnh vực như điện tử - công nghệ cao, dệt may, hóa chất…
Tiếp nối xu hướng đó, một mảng đầu tư khác đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước xúc tiến triển khai mạnh là khu công nghiệp chuyên sâu về dược phẩm. Các khu công nghiệp chuyên biệt này sẽ giúp hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu tới thành phẩm. Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và có vị trí địa lý thuận lợi, khu công nghiệp dược phẩm giúp các công ty giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu suất và hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Trong tháng 2/2022, Tập đoàn Đại An đã công bố bắt tay cùng các nhà đầu tư Ấn Độ xây dựng công viên dược quy mô 960ha tại Hải Dương. Nhóm nhà đầu tư này cũng nghiên cứu triển khai một dự án tương tự tại Thanh Hóa.
Vào ngày 12/3 mới đây, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đã ký hợp tác cùng CTCP Shinec nghiên cứu cơ hội đầu dự án Khu công nghiệp Ninh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Dự án có quy mô 620ha với định hướng chuyên sâu về dược phẩm, dịch vụ dưỡng lão và y tế.
SSIAM cho biết mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo mặt bằng cho các nhà đầu tư thuê lại, xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt. Trong quá trình đầu tư, SSIAM sẽ giữ vai trò là đơn vị làm thủ tục xin cấp phép dự án theo các quy định hiện hành. Shinec sẽ là đơn vị thực hiện khảo sát, thiết kế kỹ thuật cần thiết, phục vụ cho thủ tục xin cấp phép dự án và phát triển dự án. SSI cũng kí thỏa thuận hợp tác với Shinec trong tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp bao gồm huy động vốn cổ phần, vốn vay và tái cấu trúc tài chính.
Sự kết hợp của một nhà đầu tư có sẵn nguồn lực tài chính và kinh nghiệm kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước như SSI cùng Shinec – đơn vị đã có kinh nghiệm phát triển dự án khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng sẽ sớm đưa khu công nghiệp dược phẩm này được đầu tư bài bản, đưa mô hình các khu công nghiệp chuyên sâu vào thực tiễn.
Việc các dự án KCN dược đồng loạt được triển khai sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp FDI ngành dược, đồng thời nâng tầm ngành công nghiệp dược phẩm nói chung. Cách đây ít năm, KPMG đã có một báo cáo đánh giá rất chi tiết nhận định Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển thị trường dược phẩm phát minh (thuốc có các dược chất mới được sáng chế), qua đó mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội.
Bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư để xây dựng các các nhà máy phục vụ xuất khẩu thì ngay bản thân thị trường dược phẩm trong nước cũng rất tiềm năng. Thống kê cho thấy, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng từ 9,85 USD năm 2005 lên 22,25 USD năm 2010 và dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên 163 USD.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đã đổ mạnh vào ngành dược phẩm – y tế trong những năm vừa qua. Theo ông Masataka "Sam" Yoshida - Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation, những năm gần đây, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận bình quân 2 thương vụ M&A với Nhật Bản trong lĩnh vực y tế và dược phẩm.
PV(T/h)