Đề nghị giao chức năng thanh tra cho Ban quản lý khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/3/2022 | 6:11:44 PM

QLMT - Nghị định 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khu công nghiệp (KCN) đã cho phép “thành lập Thanh tra” trong Ban quản lý (BQL). Nghị định 82/2018/NĐ-CP ban hành năm 2018 không còn đề cập đến vấn đề này khiến công tác quản lý nhà nước của BQL KCN gặp ít nhiều khó khăn, vướng mắc. Mới đây, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị định thay thế, BQL các KCN và chế xuất Hà Nội đã kiến nghị giao lại chức năng thanh tra cho các BQL KCN, khu kinh tế như hồi năm 2008.

"Ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra”

Theo Tiến sĩ Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, thanh tra là một chức năng thiết yếu, quan trọng trong quản lý nhà nước, thực hiện việc xem xét, đánh giá và xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra được thực hiện rộng khắp, với phương châm ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2010 quy định thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc quản lý và cơ quan được giao thực hiện chức năng này là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/3/2008 đã khẳng định BQL KCN là cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN. BQL thực hiện theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn hoặc ủy quyền của các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh nhiệm vụ quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan tới KCN đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư và việc chấp hành pháp luật về xây dựng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, phòng chống cháy nổ, an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái đối với các dự án tại KCN…

"Ban Quản lý khu kinh tế và Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất xếp hạng I theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ được phép thành lập Thanh tra”, Nghị định 29 đã nêu rõ.

Tuy nhiên, Nghị định 82/2018/NĐ-CP ban hành ngày 22/5/2018 đã không còn quy định về việc "thành lập Thanh tra” trong cơ cấu tổ chức bộ máy của BQL KCN, trong khi cơ quan này tiếp tục thực hiện "chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế” và được giao nhiệm vụ "kiểm tra, giám sát” việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu đầu tư; việc chấp hành pháp luật về xây dựng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường đối với các dự án tại KCN; tổ chức và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm hành chính…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần bổ sung vào dự thảo Nghị định thay thế

Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp (9 khu đang hoạt động) với hơn 700 dự án thứ phát (gồm: 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,43 tỷ USD và trên 399 dự án đầu tư trong nước vốn đăng ký gần 18 nghìn tỷ đồng); 25 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại đây (Nhật Bản chiếm trên 60% tổng vốn đăng ký). Ngành nghề sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ các ngành như: Điện - điện tử (chiếm 50%), công nghiệp cơ khí chế tạo (chiếm 25%) và các ngành công nghiệp khác như dược phẩm, chế biến nông sản, may mặc, công nghiệp in…đã thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp đang được ưu tiên của địa phương, góp phần cùng Thành phố nhiều năm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư.


Năm 2021, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN vẫn tăng trưởng khá, đạt hơn 7,77 tỷ USD, bằng 102,3% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước 239 triệu USD, đạt 101,7 % kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu các KCN ước đạt hơn 4,1 tỷ USD, đạt 102,5 kế hoạch năm. Ảnh: TM

BQL các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước của cơ quan này trên các lĩnh vực quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch và xây dựng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính và cải cách thủ tục hành chính, công tác dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp…đều được thực hiện tốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, BQL phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Đơn cử như việc không được giao chức năng thanh tra đã dẫn tới việc khi phát hiện doanh nghiệp trong KCN có vi phạm trong thực hiện nội dung của Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp, các nội dung đã cam kết…nhưng không thể xử lý ngay do không có thẩm quyền về thanh tra mà phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Ngoài ra, việc trùng lặp, chồng chéo trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra giữa một số bộ, sở, ngành, UBND các quận, huyện; việc phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra với các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ...cũng là những vướng mắc.

Từ khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP không còn quy định "thành lập Thanh tra”, để tránh gây chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, hằng năm, BQL phải lập kế hoạch dự kiến danh sách doanh nghiệp kiểm tra gửi các bộ, sở, ngành, UBND quận, huyện có liên quan để thống nhất danh sách và nội dung thanh tra, kiểm tra. Trước những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư, BQL tổ chức hội nghị giao ban hàng quý với các công ty hạ tầng KCN để hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP tiếp tục xác định BQL KCN là cơ quan tương đương cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, ông Lê Quang Long, Trưởng ban BQL các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP, cơ quan này đã kiến nghị với Bộ thống nhất với các cơ quan liên quan, nhất là Thanh tra Chính phủ để trình Chính phủ giao chức năng thanh tra chuyên ngành đối với các BQL KCN, khu kinh tế. Điều này phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ tại Điều 29 Luật Thanh tra. Đó là việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi đã thống nhất với Bộ trưởng.

Ông Lê Quang Long kỳ vọng, việc giao thêm nhiệm vụ thanh tra cho BQL KCN, khu kinh tế sẽ góp phần khắc phục những bất cập trong thực tiễn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2022 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thành lập, đầu tư, mở rộng KCN và Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.


Theo ThanhtraVietNam



Tags khu công nghiệp Ban quản lý khu công nghiệp

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục