Khu công nghiệp Tân Bình: Hướng đến một khu công nghiệp xanh và phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/1/2022 | 2:26:36 PM

QLMT - Trải qua gần 10 năm thành lập và thực sự đi vào đầu tư xây dựng, trong những năm gần đây, Khu công nghiệp Tân Bình (TBIP) đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi.

Hiện giai đoạn 1 của dự án với diện tích 352,5 ha đã lấp đầy và giai đoạn 2 với tổng diện tích 997 ha cũng sẽ được triển khai trong thời gian không xa.

Để đạt được kết quả thu hút đầu tư khởi sắc như hôm nay, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Công ty luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, của tỉnh Bình Dương và Công ty CP Cao su Phước Hòa. Đặc biệt, với 80% số vốn chi phối bởi Công ty CP Cao su Phước Hòa - đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong quản lí, đầu tư hạ tầng và khu công nghiệp đã tạo một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của TBIP. Đến nay, TBIP đã đầu tư xây dựng được hơn 90% cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.



Ngoài ra, lợi thế cạnh tranh của TBIP còn nằm ở vị trí đắc địa. Mặc dù được thành lập sau các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh nhưng TBIP lại sở hữu vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, nằm ở Trung tâm theo địa giới hành chính Tỉnh Bình Dương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm trên tuyến đường lớn, giao thông thuận lợi, gần Cảng biển, sân bay, nằm liền kề các khu công nghiệp lớn, chỉ cách Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương 15 km, cách Tp. HCM 51 km, Sân bay Tân Sơn Nhất 55 km và cảng ICD Sóng Thần 35 km. TBIP nằm trên tuyến đường ĐT741 kết nối thông suốt với các đường vành đai nội vùng, vùng nguyên liệu dồi dào đặc biệt là nguồn nguyên liệu gỗ và cao su tự nhiên từ Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên...

Hạ tầng trong TBIP được đầu tư đồng bộ với hệ thống giao thông nội bộ được thiết kế theo tiêu chuẩn VN tải trọng H30, đảm bảo các phương tiện lưu thông và vận chuyển hàng hóa được dễ dàng và thuận tiện, trục đường chính với 4 làn đường rộng 38m, đường nội bộ với 2 làn đường rộng 24m. Nguồn điện được đấu nối từ điện lưới quốc gia đảm bảo việc cung cấp điện ổn định phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp trong TBIP. Nhà máy nước sạch của TBIP với công suất 14.000 m3 đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp. Hệ thống thông tin liên lạc thông suốt với đường truyền công nghệ Internet FTTx tốc độ cao đến 2,5Gb/s, dịch vụ bưu chính, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về công nghệ thông tin cho các nhà đầu tư.

Không những thế, TBIP còn tạo nên lợi thế cạnh tranh bằng chính sách kinh doanh linh hoạt, dịch vụ hỗ trợ đa dạng, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kịp thời, nhanh chóng; làm tốt công tác chăm sóc khách hàng và thực hiện tốt cam kết với nhà đầu tư để nhà đầu tư tiếp tục giới thiệu đối tác của họ đến khu công nghiệp tham quan tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ngoài ra, khi đầu tư tại TBIP, nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư miễn thuế 2 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo.

Chính sự tổng hòa những lợi thế trên đã góp phần đưa TBIP khẳng định là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư tại Bình Dương.

Kể từ năm 2014, khi bắt đầu triển khai thi công xây dựng các công trình, tình hình thu hút đầu tư của TBIP rất khả quan, số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư vào TBIP tăng theo từng năm, hằng năm, TBIP cho thuê đất từ 10-20 ha. Tính đến hết năm 2021, TBIP đã cho thuê với tổng diện tích là 217,32 ha/244,5 ha diện tích đất thương phẩm, chiếm tỷ lệ 88,88%. Tổng số dự án đầu tư tại TBIP là 66 dự án (trong đó 33 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 1.834 tỷ đồng và 33 dự án có vốn nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 294,60 triệu USD).

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 80 doanh nghiệp động bao gồm doanh nghiệp thuê lại xưởng, với tổng số lao động toàn khu công nghiệp khoảng gần 11.000 lao động.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp, TBIP luôn chú trọng tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong toàn Khu công nghiệp cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phục vụ ổn định sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh phải giảm quy mô sản xuất hoặc ngưng sản xuất.

Song song với quá trình thu hút đầu tư và xây dựng hạ tầng, TBIP luôn chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, phấn đấu trở thành một Khu công nghiệp xanh với những dự án phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ giai đoạn phê duyệt dự án, TBIP đã thực hiện phân khu chức năng đối với các dự án đầu tư, bao gồm: khu ô nhiễm, khu ít ô nhiễm và khu sản xuất sạch, phân bố cây xanh đạt tỉ lệ tiêu chuẩn, hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng đến khu vực dân cư lân cận. Các dự án thu hút đầu tư là những dự án có mức độ ô nhiễm thấp, tỉ lệ tái sử dụng chất thải công nghiệp cao, ít xả thải ra môi trường. Nhà máy xử lý nước thải tập trung của TBIP được vận hành 24/24h, đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra môi trường, TBIP cũng trang bị hệ thống camera giám sát và quan trắc nước thải đầu ra tự động đối với các thông số: Lưu lượng, TSS, pH, COD, Độ màu, truyền dữ liệu 24/24h về Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương.

Trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021, TBIP vinh dự đạt Chứng chỉ doanh nghiệp bền vững (CSI) do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) cấp, góp phần công nhận những đóng góp nỗ lực của Khu công nghiệp trong suốt thời gian qua.

Hoàng Minh

Tags TBIP khu công nghiệp xanh phát triển bền vững Khu công nghiệp Tân Bình

Các tin khác

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Việc xây dựng môi trường, tạo cảnh quan xanh tại Khu Công nghiệp (KCN) Long Đức (Trà Vinh) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần xây dựng “lá phổi xanh” vừa nâng cao sức khỏe cho công nhân và người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục