Nhiều công ty đã và đang xây dựng, tạo tiền đề trong việc xây dựng công trình theo tiêu chuẩn xanh. Ảnh:ST
Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tại Việt Nam, hiện đã xuất hiện nhiều hơn những khu công nghiệp xanh trên khắp cả nước. Tiêu biểu là ở các tỉnh thành Long An, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An và Cần Thơ. Nhiều công ty đã và đang xây dựng, tạo tiền đề trong việc xây dựng công trình theo tiêu chuẩn xanh.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nước ta có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Shine, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng cho biết: Hiện nay các nhà đầu tư có xu hướng quan tâm đến các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường để tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu sản phẩm xanh ra thị trường và để có thể đạt được chứng chỉ xanh cho doanh nghiệp.
Khu công nghiệp xanh được hình thành với mục tiêu thân thiện môi trường trong nỗ lực giảm chất thải và ô nhiễm, chia sẻ hiệu quả các tài nguyên (thông tin, vật liệu, nước, năng lượng, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên), giúp đạt được sự phát triển bền vững. Khu công nghiệp xanh được xây dựng trên một diện tích lớn, quy mô và quy trình khép kín, thân thiện với môi trường và bền vững về mặt tài chính.
Các khu công nghiệp xanh sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như tăng khả năng cạnh tranh, mức độ uy tín thương hiệu, và là phương án hữu hiệu trong bảo vệ môi trường sống.
Bên cạnh các khu công nghiệp xanh, các khu công nghiệp của nước ta hiện nay chủ yếu vẫn phát triển theo hướng đa ngành, thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất như những sản phẩm mang tính "may sẵn”; Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế về hàm lượng khoa học kỹ thuật chưa cao…
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để đón được nhà đầu tư phát triển đến với các khu công nghiệp, việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn "đất sạch” để chào đón các dự án đầu tư mới- là vấn đề rất quan trọng. Thực tế, nhiều nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp được giao đất quy mô lớn, nhưng chỉ giải phóng mặt bằng một phần, còn lại vẫn chờ có nhà đầu tư mới giải phóng tiếp… Do đó, cần tăng cường năng lực thực tiễn các khu công nghiệp hiện có, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, hiện đại hơn để cạnh tranh.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần có các giải pháp mới để vừa giữ chân nhà đầu tư hiện có, vừa thu hút thêm các dự án đầu tư tương lai và thực hiện định hướng thu hút đầu tư để phát triển khu công nghiệp. Cùng với việc rà soát hoàn thiện về chính sách pháp luật, đảm bảo đồng bộ quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và đô thị, xây dựng hoàn thiện về tiêu chí, tiêu chuẩn quy mô sử dụng đất phù hợp với mô hình sản suất.
Với môi trường đầu tư thuận lợi, thị trường lao động dồi dào, Việt Nam cần chú trọng phát triển các khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn xanh để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Lâm Hà