Xây dựng các khu công nghiệp kiểu mẫu

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/6/2021 | 4:59:51 PM

Với quan điểm thu hút những dự án có sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện môi trường, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước xây dựng, hình thành nên những khu công nghiệp (KCN) kiểu mẫu, với đa dạng các ngành nghề, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh toàn cầu.

Cổng vào KCN Cái Lân, TP Hạ Long. Ảnh Mạnh Trường
Cổng vào KCN Cái Lân, TP Hạ Long. Ảnh: Mạnh Trường

Theo quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh có 13 KCN, với tổng diện tích quy hoạch 13.500ha. Hiện đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích trên 4.500ha.

Bám sát định hướng phát triển của tỉnh, các chủ đầu tư đã nhanh chóng huy động nguồn lực, triển khai đầu tư phát triển hạ tầng KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại; thu hút các nhà đầu tư thứ cấp sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Đến nay, đã có 7 KCN được chủ đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện đầu tư các dự án, bao gồm: KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng, KCN Hải Yên, KCN Đông Mai, KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Nam Tiền Phong, KCN Sông Khoai.

Hệ thống cây xanh được trồng trong KCN Cảng biển Hải Hà
Hệ thống cây xanh được trồng trong KCN Cảng biển Hải Hà. 

KCN Cảng biển Hải Hà, một trong những KCN được định hướng phát triển theo hướng đa ngành, với trọng tâm là ngành công nghiệp dệt may đến nay đã được chủ đầu tư triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 trên diện tích 660ha. Hiện đã có 200ha được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp, bao gồm 10km đường nội bộ; 20ha cây xanh; 1 trạm biến áp 110kVA với hai máy biến áp công suất 63MVA; nhà máy xử lý nước cấp công nghiệp, công suất đạt 12.000 m3/ngày đêm; 2 trạm xử lý nước thải modul 6.000 m3/ngày đêm và 10.000 m3/ngày đêm; hệ thống lò hơi với công suất cung cấp hơi nước công nghiệp 100 tấn/giờ; trạm khí LPG với 2 bồn chứa, mỗi bồn chứa có công suất 30 tấn; 6 nhà xưởng tiêu chuẩn…

Ông Hong Tian Zhu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam, cho biết: Xác định sản xuất sợi dệt, may mặc có nhiều yếu tố dễ gây ảnh hưởng cho môi trường, do vậy, ngay từ khi triển khai đầu tư hạ tầng KCN, chúng tôi đã lựa chọn những công nghệ hiện đại để thu dung, xử lý nguồn nước thải đối với các nhà máy. Triển khai trồng nhiều cây xanh, tạo nên không gian xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Khu nhà ở cho chuyên gia nước ngoài của Công ty TNHH Dệt may Bắc Giang
Khu nhà ở cho chuyên gia nước ngoài của Công ty TNHH Dệt may Bắc Giang (KCN Cảng biển Hải Hà).

Hiện tại, chủ đầu tư đã thu hút được 18 dự án của nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào KCN, với tổng nguồn vốn đã huy động trên 1,3 tỷ USD, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho trên 11.300 lao động, với mức lương khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Các dự án đầu tư vào KCN Cảng biển Hải Hà giai đoạn 1 đều thuộc chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may và phụ trợ dệt may. Sản phẩm của các nhà máy trong KCN Cảng biển Hải Hà đã góp phần lấp khoảng trống thiếu hụt nguyên vật liệu và phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài của ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt đã và đang cung cấp các sản phẩm dệt may cao cấp, chất lượng cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, bao gồm: Uniqlo, VF, PPJ, Terget, Uchino, Givenchy, Tayohya, Lacoste, Decathlon, Goldlion, Muji, Play boy, Boss, Polo…

Tại KCN Đông Mai với diện tích gần 180ha, chủ đầu tư đã hình thành nên một KCN đồng bộ về hạ tầng, hiện đại về sử dụng công nghệ. Trong đó đã thu hút được 22 dự án của nhà đầu tư thứ cấp, với tổng số vốn đăng ký 478 triệu USD. Hiện đã có 6 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao và có sức cạnh tranh toàn cầu.

Sản xuất mũ xuất khẩu tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long tại KCN Việt Hưng.
Sản xuất mũ xuất khẩu tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long tại KCN Việt Hưng. Ảnh: Mạnh Trường

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Mục tiêu của đơn vị là sẽ tiếp tục định hướng, lựa chọn thu hút những dự án có chất lượng của nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực vào địa bàn các KCN để từng bước hình thành nên những KCN kiểu mẫu, tạo ra dư địa phát triển mới cho nền kinh tế của tỉnh. Đồng thời cũng đôn đốc các chủ đầu tư các KCN cần sớm, gấp rút triển khai đầu tư các khu nhà ở cho công nhân, tạo sự ổn định, yên tâm gắn bó lao động, sản xuất tại địa bàn KCN.

Từ kết quả thu hút đầu tư, đến nay trên địa bàn các KCN đã có 56 doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có 31 doanh nghiệp FDI với các ngành nghề chủ yếu là điện - điện tử - cơ khí, dệt may, công nghiệp chế biến, chế tạo khác. Doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN 5 năm gần đây đạt 8 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 6.400 tỷ đồng.

Theo Mạnh Trường/Báo Quảng Ninh

Tags Khu công nghiệp kiểu mẫu Quảng Ninh KCN Cảng biển Hải Hà KCN Cái Lân

Các tin khác

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Việc xây dựng môi trường, tạo cảnh quan xanh tại Khu Công nghiệp (KCN) Long Đức (Trà Vinh) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần xây dựng “lá phổi xanh” vừa nâng cao sức khỏe cho công nhân và người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục