Phòng chống dịch trong KCN&CX: Nhiệm vụ hàng đầu thực hiện 'mục tiêu kép'

Bài 1: Kiên quyết "mục tiêu kép”, không để đứt gãy chuỗi sản xuất

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/5/2021 | 4:03:01 PM

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hết sức phức tạp, nhận định chung được nhấn mạnh nhiều lần: Xung yếu nhất trong phòng, chống dịch chính là bệnh viện, tiếp đến các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì vậy việc tăng cường bảo đảm an toàn, phòng chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Trong đợt dịch lần thứ 4 này, Bắc Giang và Bắc Ninh là những địa phương mà Bộ Y tế đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao vì đây là những địa phương có rất nhiều khu công nghiệp nên khi dịch xảy ra gây rất nhiều khó khăn đối với người dân và công nhân lao động. Do đó, vấn đề lây nhiễm, quản lý và khống chế dịch trong khu công nghiệp rất quan trọng.

Phòng chống dịch trong KCN&CX: Nhiệm vụ hàng đầu thực hiện 'mục tiêu kép'
Xét nghiệm cho công nhân Công ty Samsung Bắc Ninh. Ảnh Internet

Không được để "thủng” các khu công nghiệp

Từ giữa tháng 5, tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp mới khi liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong các khu công nghiệp tại một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang. Đến nay, Bắc Ninh đang cách ly hơn 70.000 người và công nhân lao động. Bắc Giang cũng đang phải dừng sản xuất 4 khu công nghiệp, cách ly hơn 60.000 công nhân của 57 tỉnh, thành phố ngay tại Bắc Giang và hàng chục nghìn người dân khác trong vùng cách ly, phong toả.

Theo thống kê, cả nước hiện có 369 KCN tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động; chưa kể khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 600.000 lao động. Cùng với đó là mật độ dày đặc các xóm trọ, khu trọ của công nhân, chợ búa, cơ sở dịch vụ mà đa phần là chật chội, đông đúc. Do đó, tác động của đợt dịch này sẽ rất lớn nếu để lây lan mạnh vào các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất khiến sản xuất đình trệ.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã sớm nhận định và thống nhất rằng xung yếu nhất trong phòng, chống dịch bệnh là bệnh viện, sau đó đến các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tất cả các địa phương trên toàn quốc phải chỉ đạo, quán triệt các DN, nhà máy, xí nghiệp, các KCN thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc tự đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, cập nhật định kỳ lên hệ thống an toàn COVID-19 (antoancovid.vn). Để xảy ra dịch bệnh trong các KCN có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã họp với 63 địa phương, quán triệt một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành công thương lúc này là tập trung cao cho phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu hoạt động công nghiệp và thương mại trên địa bàn cả nước.

Trước tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn cụ thể hai tỉnh, "tìm mọi cách để đưa các nhà máy lớn trở lại hoạt động sớm nhất” nếu đảm bảo 4 tiêu chí. Thứ nhất, tất cả công nhân đều được quản lý chặt chẽ cả trong giờ và sau giờ làm việc. Thứ hai, tiến hành xét nghiệm sàng lọc trong nhà máy theo chu kỳ tối thiểu 3 ngày/1 lần hoặc tiến hành xét nghiệm nhanh hằng ngày. Thứ ba, trong nhà máy phải đảm bảo giãn cách ở mức cần thiết. Thứ tư, phương tiện vận chuyển hàng hoá phải được khử khuẩn, lái xe được xét nghiệm hằng ngày...

Mới đây nhất (sáng 24/5), họp trực tuyến với Bắc Ninh, Bắc Giang - hai tỉnh đầu tiên "thực chiến” phòng chống dịch bệnh trong KCN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đề nghị: Trên tinh thần là "tướng chiến trường”, tất cả các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế, các bộ, ngành nếu chưa phù hợp trong thực tiễn thì hai tỉnh linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho các KCN khác, cho các tỉnh khác.

Quyết tâm thắng dịch "trận này”

Phòng chống dịch trong KCN&CX: Nhiệm vụ hàng đầu thực hiện 'mục tiêu kép'
Các nhà máy, KCN cần lập tổ COVID-19 để đánh giá nội bộ công tác chống dịch hằng ngày tại nhà máy, KCN. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, vấn đề lây nhiễm, quản lý và khống chế dịch trong khu công nghiệp rất quan trọng. Vì vậy, Bộ Y tế đang quyết tâm, nỗ lực cùng với các tỉnh quyết liệt phòng chống dịch tại 2 địa phương. Bộ Y tế đã cử bộ phận Thường trực phòng, chống dịch tại hai tỉnh, hội tụ các chuyên gia hàng đầu có kinh nghiệm tham gia chống dịch trước đó, để làm sao cùng 2 địa phương ứng phó tốt nhất với dịch, để quyết tâm thắng trận dịch này.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, xu hướng dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh lần này không giảm nhanh như ở Hải Dương, Đà Nẵng các đợt dịch trước, và tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới. Vì vậy, 2 tỉnh luôn phải đặt công tác phòng, chống dịch trong trạng thái báo động cao nhất và phải tiếp tục triển khai tất các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt nhất.

Sát cánh cùng Bắc Giang, Bắc Ninh trong gần 2 tuần qua để ngăn chặn dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang và Bắc Ninh, nhấn mạnh, có 3 điều kiện tiên quyết và quan trọng để các cơ sở sản xuất quay trở lại hoạt động.

Thứ nhất là môi trường phải được khử khuẩn sạch sẽ.

Thứ hai, các cơ sở phải đảm bảo tiêu chí an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế đã ban hành cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.

Thứ ba, mọi công nhân trước khi đưa vào các dây chuyền sản xuất đều phải đảm bảo đã được xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, trong thời điểm được sản xuất trở lại, khu công nghiệp, nhà máy phải xây dựng các tổ COVID-19, để tiến hành kiểm tra, đánh giá nội kiểm trong chính các khu công nghiệp, các nhà máy của mình. Đồng thời phát hiện những người có triệu chứng nhẹ như sổ mũi, ho, sốt thì cho nghỉ tại nhà, tiếp tục làm xét nghiệm định kỳ cho công nhân trong khi sản xuất.


Theo Hiền Minh-Hoàng Giang/baochinhphu.vn

Tags Phòng chống dịch Covid 19 Bắc Giang Bắc Ninh Khu công nghiệp

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục