Thủ tướng ký công điện về an toàn COVID-19 các khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/5/2021 | 8:20:09 AM

QLMT - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện 680/CĐ-TTg về việc bảo đảm an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp.

Theo đó, công điện nêu rõ: Tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Trong nước, từ ngày 27/4/2021 đã xuất hiện trở lại đợt dịch lây lan nguy hiểm hơn trong cộng đồng. Đặc biệt, dịch đã lây lan trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân, có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn.

thu-tuong-ky-cong-dien-ve-an-toan-covid-19-cac-khu-cong-nghiep-1
Lấy mẫu xét nghiệm tại Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà (Đà Nẵng).

Để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

2. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và những người liên quan (người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn…); xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và diễn biến tình hình dịch bệnh để nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cả nước hiện có 369 KCN tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động; khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 600.000 lao động. Đặc điểm của các nhà máy trong KCN là đông người, phần lớn hoạt động sản xuất trong môi trường kín.

Nhiều xóm trọ, khu trọ công nhân rất chật chội, đông đúc. Chợ búa, cơ sở dịch vụ ở những khu này có mật độ dày đặc. Xe đưa đón công nhân rất nhiều. Đây là khu vực mà Ban Chỉ đạo đã nhắc nhở rất nhiều lần về việc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.


Diệp Anh

Tags khu công nghiệp COVID-19 Thủ tướng Chính phủ Công điện 680/CĐ-TTg

Các tin khác

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm sớm phổ biến Nghị định số 32 về cụm công nghiệp và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự