25 dự án khu công nghiệp được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 46.584 tỷ đồng (ảnh minh họa)
Năm 2020, trong bối cảnh thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 thì thị trường bất động sản công nghiệp vẫn sôi động ở nhiều tỉnh, thành phố. Tiếp đà tăng trưởng này, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ phát triển mạnh hơn trong năm 2021, đặc biệt sẽ thúc đẩy sự bùng nổ quỹ đất công nghiệp tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, thống kê của VietnamFinance cho thấy có 25 dự án khu công nghiệp được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 46.584 tỷ đồng và tổng diện tích hơn 5.824ha.
Tại Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt chủ trương 4 dự án gồm: khu công nghiệp Thuận Thành I (diện tích 249,75ha, tổng vốn đầu tư 2.847 tỷ đồng) của Viglacera; khu công nghiệp Yên Phong II-A (151,27ha, tổng vốn hơn 1.830 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần hạ tầng Western Pacific; khu công nghiệp Gia Bình (306ha, tổng vốn 2.578 tỷ đồng) của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh; khu công nghiệp Gia Bình II (quy mô 250ha, tổng vốn 3.956,8 tỷ đồng) của Tập đoàn Hanaka.
Tại Hải Dương, Thủ tướng cũng duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án: khu công nghiệp Gia Lộc (quy mô 197,94ha, tổng vốn 2.062 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang; khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình (80ha, tổng vốn 1.947 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1; khu công nghiệp Phúc Điền (diện tích 214,57ha, tổng vốn 1.802 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Quý - Bắc Ninh; khu công nghiệp Kim Thành (diện tích 164,98ha, tổng vốn 1.160 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần COMA 1.
Tại Vĩnh Phúc, Thủ tướng đồng ý chủ trương 4 dự án gồm: khu công nghiệp Sông Lô I (diện tích 177,36ha, tổng vốn 1.253 tỷ đồng) của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng Sông Lô; khu công nghiệp Sông Lô II (165ha, tổng vốn 1.520 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc; khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2 (162,33ha, tổng vốn 1.326 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà; khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực II - giai đoạn 1 (diện tích 145,27ha, tổng vốn 774,8 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần đầu tư Amane.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng duyệt chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Cụ thể, dự án khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) của Công ty quản lý khai thác KCN Phố Nối A có diện tích 92,5ha và tổng vốn 1.082 tỷ đồng; khu công nghiệp Việt Hàn (Bắc Giang) của Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long có diện tích 50ha (giai đoạn 1);
Dự án khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng - giai đoạn 1 (Hà Nam) của Công ty Cổ phần Hóa chất Nhựa có diện tích 100ha, tổng vốn 1.103 tỷ đồng; khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định) của Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong có điện tích 158ha, tổng vốn 1.621 tỷ đồng; khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Liên Hà Thái (Green iP-1) phân khu bắc, hạng mục khu công nghiệp (Thái Bình) có tổng vốn 3.885 tỷ đồng, diện tích 588,84ha của Công ty Cổ phần Green i-Park.
Tại khu vực miền Trung, có 6 dự án khu công nghiệp được duyệt lần lượt nằm tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Có thể kể đến như khu công nghiệp Hoàng Mai I (Nghệ An) của Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt có diện tích 264,77ha, tổng vốn 750 tỷ đồng; khu công nghiệp Gilimex (Thừa Thiên Huế) tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng của Công ty Cổ phần khu công nghiệp Gilimex; khu công nghiệp Tam Anh - An An Hòa (Quảng Nam) của Công ty Cổ phần công nghiệp và đô thị An An Hòa có 435,8ha đất, tổng vốn 1.540 tỷ đồng.
Riêng ở Quảng Trị, có 3 dự án khu công nghiệp được duyệt gồm: khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá của Công ty Cổ phần Quang Anh Quảng Trị có quy mô 214ha, tổng vốn 925 tỷ; khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú của Công ty Cổ phần Trung Khởi có diện tích 528ha, tổng vốn 4.533 tỷ đồng đều nằm ở Quảng Trị và khu công nghiệp Quảng Trị của công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Công ty Cổ phần đô thị Amata Biên Hòa và Sumitomo Corporation có quy mô 481,2ha với tổng vốn đầu tư 2.074,33 tỷ đồng.
Tại Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức có quy mô 300ha, tổng vốn 1.200 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Sonadezi Bình Thuận.
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đã duyệt chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Đông Bình (Vĩnh Long) của Công ty Cổ phần Đầu tư TNI Vĩnh Long có diện tích 350ha, tổng vốn hơn 3.026 tỷ đồng.
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, khẳng định bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là "đứa con cưng” của ngành bất động sản. Lý do là bởi mô hình sản xuất "Trung Quốc+1” có thể sẽ được các nhà sản xuất theo đuổi ngày càng nhiều hơn. Các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm sản xuất, kéo theo nhu cầu lớn về bất động sản công nghiệp tại thị trường Việt Nam.
Còn theo ông David Jackson, CEO Colliers Việt Nam, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ là ngôi sao sáng đại diện cho thị trường bất động sản năm nay, chứng tỏ sức bền đáng kinh ngạc nhất trong đại dịch. Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử làm gia tăng nhu cầu thuê kho bãi chứa hàng, xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) khiến nhu cầu đất công nghiệp, nhà xưởng và dịch vụ hậu cần tiếp tục tăng lên trong năm 2021.
"Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế trong năm Tân Sửu ở phân khúc bất động sản công nghiệp. Do tỷ lệ lấp đầy cao ở các khu công nghiệp trọng điểm của Hà Nội và TP. HCM, cùng với việc quỹ đất hạn chế, các tỉnh lân cận đang trở thành điểm nóng mới”, CEO Colliers Việt Nam nhận định.
Theo Lệ Chi/ vietnamfinance.vn