Phát huy vai trò động lực của các KCN thành phố Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/12/2020 | 11:09:50 AM

QLMT - Năm 2020, Thành phố Hà Nội có 09 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với diện tích là 1.264 ha. Các KCN thành phố Hà Nội thu hút được 660 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 6,2 tỷ USD và 15.200 tỷ đồng.

Vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19

Năm 2020 đánh dấu một năm vô cùng khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất (KCX) Hà Nội (Ban Quản lý) đã luôn bám sát nhiệm vụ được giao, quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và HĐND Thành phố, Chương trình công tác của Thành uỷ, UBND Thành phố và các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố đề ra.

Cùng với đó, Ban Quản lý đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các lĩnh vực công tác chuyên môn, đầu tư, quy hoạch xây dựng, tài nguyên môi trường, hoạt động thương mại xuất khẩu... . Đồng thời phối hợp tốt với các B, ngành liên quan; các sở, ngành của Thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Với những kết quả đã triển khai, nhìn chung tình hình thu hút hình đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN trên địa bàn Thành phố năm 2020 tương đối ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra bình thường, ngoại trừ một số các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi các đơn hàng.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh trong các KCN, song do Ban Quản lý các KCN- CX Hà Nội tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý đầu tư, cải cách hành chính, hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư hạ tầng KCN, KCN mở rộng để kịp thời đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mới vào Việt Nam. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội triển khai các Chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư của Thành phố.

Kết quả, trong 10 tháng đầu năm 2020, các KCN và CX Hà Nội đã thu hút được 09 dự án đầu tư mới với vốn đăng ký 49 tỷ đồng, 18 dự án mở rộng vốn đăng ký 67,8 triệu USD và 147 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư vào các KCN và CX Hà Nội trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 111,7 triệu USD quy đổi, đạt 28% so với mục tiêu dự kiến năm 2020, bằng 49% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến thu hút đầu tư vào các KCN Hà Nội trong cả năm 2020 đạt 150 triệu USD quy đổi, bằng khoảng 40% so với kết quả thực hiện năm 2019.

Tính tới thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội có thêm 09 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 1.264 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 95%. Lũy kế đến nay, có 660 dựán đầu tư thứphát đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN và CX Hà Nội; trong đó có 340 dự án FDI tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 6,2 tỷ USD, 320 dự án đầu tư trong nước (DDI) với số vốn đăng ký gần 15.200 tỷ đồng. Lũy kế nhiệm kỳ 2016-2020, vốn đầu tư thu hút vào các KCN Hà Nội khoảng gần 1,7 tỷ USD, đạt 130% so với mục tiêu đề ra, tăng 13% so với giai đoạn 2011-2015.

Đến hết năm 2020, dự kiến tổng số lao động làm việc trong các KCN trên địa bàn có khoảng 160.124 người, trong đó lao động nước ngoài 1.189 người.

Quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường

Để tạo môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội luôn quan tâm theo dõi sát sao đến hoạt động đầu tư và kinh doanh của các dự án đầu tư hạ tầng và thứ cấp trong các KCN, đảm bảo kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp, đồng thời tuân thủ đúng quy định của pháp luật về an toàn, quy hoạch, xây dựng, môi trường và lao động.

Đặc biệt công tác môi trường trong các KCN được đặc biệt quan tâm. Ban Quản lý đã giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường của các doanh nghiệp trong các KCN; thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đến nay 09 KCN trên địa bàn Hà Nội đang hoạt động đều đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung và đi vào vận hành ổn định; hầu hết các doanh nghiệp trong KCN đã hoàn thiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của KCN, không còn hiện tượng xả nước thải trực tiếp ra môi trường; việc quản lý chất thải nguy hại dần đi vào nề nếp, đúng các quy định hiện hành; cấp Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho 22 dự án đầu tư trong KCN theo đúng quy định; tổ chức 01 lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong KCN cho 300 lượt người; phối hợp với Tổng cục Môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 03 doanh nghiệp KCN; đã thu thập thông tin, hoàn thiện hồ sơ về tài nguyên môi trường của 400 doanh nghiệp làm cơ sở cho việc quản lý, kiểm tra đánh giá các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao tại các KCN.

Do bị chi phối bởi Luật chuyên ngành nên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đến nay Ban Quản lý mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện một số nhiệm vụ được ủy quyền, còn lại chủ yếu phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố trong công tác này. Do vậy chưa tập trung thống nhất vào một đầu mối và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về môi trường.

Phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ phát triển KCN

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội, sang năm 2021, dự báo dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế thế giới, khu vực cũng như Việt Nam.

Bên cạnh khó khăn, thách thức thì cũng có rất nhiều cơ hội lớn mở ra cho Việt Nam khi làn sóng đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ có xu hướng dịch chuyển nhiều vào Việt Nam, đặc biệt là các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản… . Đây là cơ hội để các KCN trên cả nước cũng như KCN trên địa bàn thành phố Hà Nội chuẩn bị đầy đủ tốt các điều kiện về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao đầu tư vào KCN.

Ban Quản lý dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư vào các KCN Hà Nội năm 2021 đạt khoảng 300 triệu USD; cơ cấu vốn dự kiến thu hút theo ngành nghề: Công nghiệp điện tử 40%; công nghiệp phụ trợ 30%; công nghiệp cơ khí 20%; các ngành công nghiệp khác 10%.

Về sản xuất kinh doanh: Doanh thu ước đạt 8000 triệu USD, tăng 3,9% so với năm 2020; nộp ngân sách ước đạt 240 triệu USD, tăng 4,3% so với năm 2020; xuất khẩu ước đạt 4.900 triệu USD, tăng 5,2% so với năm 2020; nhập khẩu ước đạt 4.160 triệu USD, tăng 4,0% so với năm 2020.

Để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu trên, Ban Quản lý đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện đó là:

Một là: Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thứ phát.

Hai là, tham mưu cho UBND Thành phố hướng dẫn các nhà đầu tư chuẩn bị công tác đầu tư cho các KCN mới: Đông Anh, Bắc Thường Tín, Sạch Sóc Sơn.

Ba là, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tuyên truyền quảng bá giới thiệu về các KCN Hà Nội đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đôn đốc chủ đầu tư KCN hỗ trợ Nam Hà Nội tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tưẩy mạnh thông tin về quy hoạch xây dựng phát triển các KCN, ngành nghề thu hút đầu tư; các thông tin về đơn giá thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng, phí dịch vụ cũng như các hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Bốn là, tăng cường nắm bắt tình hình doanh nghiệp trong các KCN; chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu với Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong KCN phát triển toàn diện.

Năm là, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng giải pháp, tham mưu cho UBND thành phố từng bước triển khai xây dựng hạ tầng đồng bộ trong các KCN nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho công nhân lao động, nhất là thực hiện việc đầu tư xây dựng hoàn thiện các "thiết chế văn hoá”; xây dựng môi trường lành mạnh về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong các KCN.

Sáu là, tiếp tục đổi mới việc tổ chức các Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp trong các KCN thực hiện tốt pháp luật về lao động, bảo hiểm, thương mại, thuế, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; các chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh và xuất nhập khẩu; thực hiện dịch vụ công trực tuyến … đảm bảo thiết thực, hiệu quả, hướng dẫn,giải đáp được các vướng mắc cho doanh nghiệp .

Bảy là, chủ động nắm bắt tình hình, có giải pháp để giải quyết hiệu quả các tranh chấp giữa doanh nghiệp và người lao động nhằm ngăn chặn không để xảy ra đình công, bãi công giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; tiếp tục tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, đầu tư, tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch xây dựng để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Tám là, duy trì, phát huy tốt việc tổ chức hội nghị giao ban hàng quý giữa Ban Quản lý với các Công ty phát triển hạ tầng KCN để kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư trong KCN; duy trì trực và cung cấp thủ tục hành chính, dịch vụ công tại 07 Văn phòng đại diện tại các KCN trên địa bàn Hà Nội.

Chín là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cơ chế ''một cửa'', ''một cửa liên thông'' trong giải quyết các thủ tục hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức chuyên nghiệp, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN phát triển.

                                                                                                                                    Nguyễn Hằng


Tags khu công nghiệp Hà Nội khu chế xuất đại dịch covid-19

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục