Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm này toàn tỉnh có hơn 6.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 100 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó tập trung ở nhóm ngành: sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác chế biến khoáng sản; sản xuất thức ăn chăn nuôi; điện, điện tử; xe máy; bia…
Đối với các doanh nghiệp trong các KCN, trong mấy năm qua, đã có nhiều mặt hàng CNCL cung cấp cho thị trường. Đến nay, các KCN của tỉnh đã có 304/374 dự án đi vào hoạt động, trong đó có 187 dự án FDI và 117 dự án trong nước với số vốn đầu tư thực hiện hơn 15.067 tỷ đồng và 2.010,9 triệu USD. Hằng năm, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN phấn đấu đạt từ 75-80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Tại các KCN, sản phẩm CNCL vẫn là linh kiện điện tử, xe máy, thức ăn chăn nuôi. Trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm giá trị sản xuất của xe máy chiếm khoảng 20-25%; giá trị thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 10%; giá trị linh kiện điện tử chiếm hơn 16%; giá trị sản xuất trong các KCN còn lại là các sản phẩm hàng dệt may, phụ tùng ô tô, sản phẩm từ nhựa…
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Các mặt hàng CNCL trong các KCN như xe máy, linh kiện điện, điện tử, sản phẩm nhựa có xu hướng tăng lên so với những năm trước. Ngành sản xuất sữa, xe máy có đóng góp ngân sách cao và ổn định cho địa phương. Riêng nhóm ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm cả về giá trị sản xuất công nghiệp do thị trường chăn nuôi có nhiều biến động bởi dịch tả lợn châu Phi.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm CNCL trong các KCN đã từng bước tiêu thụ trên khắp cả nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nổi bật là sản phẩm xe gắn máy của Nhà máy Honda Hà Nam (Công ty Honda Việt Nam); sản phẩm sữa Friesland Campina; sản phẩm linh kiện xe hơi; một số sản phẩm điện, điện tử…
Một góc dây chuyền sản xuất tại Công ty ACE ANTENNA (Hàn Quốc), khu Công nghiệp Đồng Văn II
Cùng với các doanh nghiệp trong KCN, ngành công nghiệp trong tỉnh cũng đã từng bước xác định được những mặt hàng CNCL. Cụ thể, ngoài khu công nghiệp (KCN), các mặt hàng CNCL là đá xây dựng các loại, xi măng, gạch nung, các vật liệu chế biến từ đá. Hiện ở khu vực Tây Đáy thuộc huyện Thanh Liêm và Kim Bảng có hơn 70 doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác đá với khoảng gần 80 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực Tây Đáy đã đóng góp tích cực cho ngành vật liệu xây dựng của quốc gia và thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng. Đặc biệt, sau khi Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản với thời gian dài, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, sản xuất với công suất lớn, một năm cung cấp cho thị trường hơn chục triệu m3 đá các loại. Nhiều sản phẩm từ đá ở Hà Nam sau khi chế biến thành: bột đá, đá xây dựng các loại, đá hộc xuất khẩu đã được nhiều bạn hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Ông Đinh Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thành (Thanh Liêm) phân tích: Ngoài cung cấp cho thị trường những sản phẩm đá xây dựng thông thường, ở tỉnh Hà Nam còn có lợi thế xuất khẩu đá hộc các loại đi một số nước trong khu vực châu Á. Các sản phẩm đá xuất khẩu giá trị thu về cao gấp 3 - 4 lần so với chế biến đá xây dựng thông thường. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang khai thác thế mạnh này, xuất khẩu đá đi các nước trên thế giới.
Cùng với đá, sản xuất xi măng và vôi xuất khẩu cũng phát triển mạnh. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 6 nhà máy sản xuất xi măng bao gồm: Nhà máy xi măng Bút Sơn, Nhà máy xi măng Hoàng Long, Nhà máy xi măng Vissai Hà Nam, Nhà máy xi măng Thành Thắng, Nhà máy xi măng Xuân Thành và Nhà máy xi măng Long Thành có công suất hơn 13 triệu tấn/năm. Sản phẩm xi măng, clinker ở Hà Nam không chỉ tiêu thụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.
Đối với vôi công nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có 2 nhà máy đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đó là Nhà máy vôi công nghiệp Savina và Nhà máy vôi công nghiệp Tràng An với tổng công suất thiết kế 0,34 triệu tấn/năm. Ba dự án vôi công nghiệp gồm: Nhà máy vôi công nghiệp 218, Nhà máy vôi công nghiệp 219 và Nhà máy vôi công nghiệp 26868 đang đầu tư xây dựng 9 dây chuyền với tổng công suất 1,38 triệu tấn/năm. Sản phẩm vôi công nghiệp ở Hà Nam tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc và xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất thép, nuôi trồng thủy sản…
Theo đánh giá của các ngành chức năng, trong thời gian qua ngành công nghiệp ở Hà Nam đã tăng trưởng khá cao, bình quân mỗi năm tăng từ 18 - 20%, trong đó các mặt hàng công nghiệp tương đối phong phú và đa dạng. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã đi sâu vào khai thác thế mạnh ở địa phương, sản xuất, kinh doanh những mặt hàng CNCL, từng bước đưa sản phẩm tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc xác định, chọn lọc những doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng CNCL chưa được chú trọng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất mặt hàng chủ lực trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm, quá trình sản xuất còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực.
Trong thời gian tới, để nâng cao giá trị của các mặt hàng CNCL đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng cần thường xuyên đánh giá, xét chọn, công nhận và tôn vinh những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực. Việc xét chọn cần dựa trên các tiêu chí quan trọng như khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo ra mức tăng trưởng cao, sử dụng dây chuyền sản xuất công nghệ cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, các ngành cũng cần quan tâm hỗ trợ quảng bá, tìm đầu ra và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng CNCL. Có như vậy, mới phát huy được thế mạnh của các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng CNCL, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh./.
Trần Hữu - baohanam.com.vn