Hà Nam: Phấn đấu cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy trong các Khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/12/2020 | 3:57:33 PM

QLMT - Hiện nay, tại các KCN của tỉnh có 3 đơn vị cung cấp điện, gồm: Công ty Điện lực Hà Nam quản lý vận hành và bán điện tại KCN Đồng Văn I, II, Thanh Liêm và Châu Sơn; Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ năng lượng Bát Cảnh Sơn quản lý vận hành tại KCN Đồng Văn IV; Công ty CP Tư vấn xây dựng điện miền Bắc cung cấp điện cho KCN Đồng Văn III và Đồng Văn I, II mở rộng.


Kiểm tra kỹ thuật cung cấp điện tại TBA 110 kV KCN Đồng Văn III.
Thực hiện cam kết đối với các nhà đầu tư và chỉ đạo của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng điện phục vụ sản xuất của doanh nghiệp trong các KCN, thời gian qua, các đơn vị bán lẻ điện đã tập trung xây dựng lưới điện bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vận hành. Việc kiểm tra an toàn đường dây được thực hiện thường xuyên, lắp đặt máy cắt  Recloser tại các đầu đường trục, đầu đường nhánh, lắp đặt hệ thống chống sét đường dây nhằm hạn chế sự cố do sét đánh vào đường dây gây mất điện và phối hợp với các doanh nghiệp về thuê bao quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp (TBA)... hạn chế thấp nhất xảy ra sự cố thiết bị ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện.

Tuy nhiên, hiện nay trên hệ thống cung cấp điện tại các KCN vẫn chưa khắc phục triệt để những tồn tại theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1123/UBND-KT và Tổ giám sát tình hình cung cấp điện tỉnh chỉ ra từ năm 2017. Cụ thể là chưa lắp đặt máy cắt Recloser đầy đủ tại tất cả đầu các nhánh đường dây; hệ thống chống sét đường dây còn thiếu, nhất là cần bổ sung đầu tư lắp đặt đầy đủ hệ thống chống sét thông minh, chống sét van trên đường trục và các nhánh rẽ để giảm thiểu các sự cố do giông sét gây mất điện.

Tại  KCN Đồng Văn IV, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ năng lượng Bát Cảnh Sơn quản lý vận hành 2 lộ đường dây 22kV cấp điện từ TBA 110kV Đồng Văn IV nhưng ở các đầu nhánh đường dây chưa được lắp đặt máy cắt Recloser đầy đủ đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Lưới điện do Công ty Điện lực Hà Nam quản lý vận hành và bán điện tại KCN Đồng Văn I, II, KCN Thanh Liêm, KCN Châu Sơn còn nhiều lộ đường dây chưa được lắp đặt máy cắt Recloser tại đầu các nhánh rẽ, hệ thống chống sét đường dây còn thiếu. Năm 2019, hệ thống lưới điện do Công ty Điện lực Hà Nam quản lý vận hành tại các KCN có 207 lần sự cố thoảng qua, trong đó có 62 lần sự cố do giông sét. Ở KCN Hòa Mạc chưa lắp đặt máy cắt Recloser tại nhánh đường dây FineTek 4. 

Ở KCN Châu Sơn chưa lắp đặt máy cắt Recloser tại đầu các nhánh rẽ cấp điện cho các phụ tải dân sinh. KCN Đồng Văn I, II chưa lắp đặt máy cắt Recloser ở nhánh Công ty nước sạch, nhánh N2... Bên cạnh đó, một số lộ đường dây Công ty Điện lực Hà Nam xây dựng từ lâu, cơ bản đang vận hành ổn định, song chưa đáp ứng các yêu cầu theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2030.

Để bảo đảm cung cấp ổn định và nâng cao chất lượng lưới điện, thời gian qua, Tổ giám sát tình hình cung cấp điện tỉnh (Tổ giám sát) đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phân phối điện, kịp thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến cấp điện trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và đặc biệt là cấp điện tại các KCN; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc khách hàng sử dụng lưới điện thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện từ 1kV đến 35kV, thí nghiệm định kỳ thiết bị trên lưới điện phân phối nhằm hạn chế thấp nhất sự cố thiết bị gây ảnh hưởng đến lưới điện chung. 

Mới đây lần đầu tiên, Tổ giám sát đã tiến hành kiểm tra thực tế hệ thống lưới điện của các đơn vị phân phối và bán lẻ điện trong các KCN. Quá trình kiểm tra, ngoài việc hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện các quy định bắt buộc nhằm bảo đảm an toàn cao nhất trong cấp điện cho các KCN, Tổ giám sát đã tiến hành kiểm tra thực tế hệ thống lưới điện của các đơn vị phân phối và bán lẻ điện trong các KCN. 

Ông Phạm Tuấn Hải, Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công thương) cho biết: Căn cứ Văn bản chỉ đạo số 1123/UBND-KT ngày 8/5/2017 của UBND tỉnh, để cấp điện ổn định, liên tục phục vụ sản xuất, thực hiện tốt cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, sau kiểm tra Tổ giám sát đề nghị Công ty Điện lực Hà Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ năng lượng Bát Cảnh Sơn, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện miền Bắc khắc phục sớm những tồn tại. Tổ giám sát sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát việc khắc phục những tồn tại của các đơn vị trong năm 2020.

Tổ giám sát yêu cầu các đơn vị bán lẻ điện cần phải sớm khắc phục những tồn tại nhằm tiếp tục bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy. Cụ thể, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện lực miền Bắc sớm bổ sung xây dựng đưa vào vận hành thêm lộ đường dây 22kV từ TBA Đồng Văn để bảo đảm tốt nhất yêu cầu về cung cấp điện cho KCN Đồng Văn III. Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ năng lượng Bát Cảnh Sơn lắp đặt máy cắt Recloser đầy đủ tại tất cả đầu các nhánh đường dây; bổ sung lắp đặt chống sét thông minh, chống sét van trên đường trục và các nhánh rẽ để giảm thiểu các sự cố do giông sét gây mất điện. Công ty Điện lực Hà Nam cần bổ sung lắp đặt các máy cắt Recloser trên các đường dây còn thiếu, nhất là tại đầu các nhánh rẽ cấp điện cho các phụ tải dân sinh. Đầu tư lắp đặt đầy đủ hệ thống chống sét thông minh và chống sét van trên đường trục và các nhánh rẽ để giảm thiểu các sự cố do giông sét gây mất điện. Thay thế một số vị trí cột điện đã cũ và thấp nhằm bảo đảm chiều cao an toàn trong cấp điện KCN.

Ông Đinh Văn An, Giám đốc Sở Công thương, Tổ trưởng Tổ giám sát tình hình cung cấp điện tỉnh cho biết: Chúng tôi đề nghị các đơn vị bán lẻ điện xây dựng kế hoạch, có mốc thời gian khắc phục cụ thể những tồn tại nêu trên và báo cáo Tổ giám sát trước ngày 20/4/2020. Trong quá trình thực hiện cần có khuyến cáo cho khách hàng nắm bắt được hiện trạng vận hành của thiết bị điện để chủ động xử lý phòng tránh sự cố. Tổ giám sát lưu ý các đơn vị cung cấp điện thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hệ thống cung cấp điện bảo đảm hệ thống điện trong các KCN vận hành an toàn, ổn định, tin cậy.

Thanh Bình/izhanam.gov.vn

Tags điện Khu công nghiệp KCN Hà Nam Đồng Văn

Các tin khác

Tuy số lượng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Với việc chuyển đổi sang mô hình "xanh hóa," các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang đến một tầm nhìn đầy hứa hẹn về tương lai nơi sự thịnh vượng kinh tế song hành với tính bền vững môi trường.

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục