Việt Nam rút ra được các bài học kinh nghiệm từ hơn 30 năm phát triển công nghiệp tại các tỉnh ven biển của các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan. Các ngành chính được ưu tiên thu hút đầu tư tại hai quốc gia này phải kể đến như hoá chất thô, dược phẩm, máy móc, điện tử… Theo đó, các khu vực ven biển của Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến xu hướng tương tự, đón nhận thêm nhiều nhu cầu đầu tư từ cả doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất lẫn các tập đoàn đa quốc gia.
Tính tới quý III/2020, tổng diện tích đất của các khu công nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính miền Bắc (bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đã đạt 13.800ha, với 9.600ha đất công nghiệp cho thuê. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của khu công nghiệp duy trì ở mức tích cực 79%.
Đối với thị trường miền Nam, tổng diện tích đất công nghiệp gấp đôi thị trường miền Bắc, đạt mức khoảng 38.000ha, trong đó có 24.000ha đất công nghiệp cho thuê với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 77%.
CBRE ghi nhận nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay của các khu công nghiệp tại cả hai miền đều trong tình trạng khan hiếm. Song, các khu kinh tế, khu công nghiệp có vị trí gần biển vẫn có sức hút lớn với các nhà đầu tư khi duy trì mức giá và tỷ lệ lấp đầy vượt trội.
Theo xu thế này, các tỉnh ven biển Việt Nam đã và đang tận dụng những tiềm lực sẵn có để phát triển nền công nghiệp. So với quỹ đất tại các tỉnh phía Bắc, Hải Phòng và Quảng Ninh còn nhiều quỹ đất phát triển công nghiệp.
Tại Hải Phòng, tính tới quý III/2020, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt khoảng 56%. Hải Phòng hiện là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam với các dự án công nghiệp trọng điểm như khu công nghiệp mới của Vinhomes, DEEP C Hải Phòng…
Quảng Ninh gần đây nổi lên như một tỉnh công nghiệp ven biển, dự kiến cung cấp thêm một lượng lớn quỹ đất công nghiệp trong tương lai, với 2 khu kinh tế là Quảng Yên và Vân Đồn. Trong đó, khu kinh tế ven biển Quảng Yên được định hướng trở thành động lực tăng trưởng mới thúc đẩy thu hút đầu tư cho Quảng Ninh.
Để thu hút đầu tư, Quảng Ninh đang ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến và chết tạo. Cùng với các chính sách thu hút đầu tư, Quảng Ninh cũng đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng như hoàn thiện tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ngoài ra, các tuyến cao tốc kết nối Hà Nội, Hải Phòng, các cảng biển và sân bay quốc tế đã đi vào hoạt động.
Quảng Ninh gần đây nổi lên như một tỉnh công nghiệp ven biển, dự kiến cung cấp thêm một lượng lớn quỹ đất công nghiệp trong tương lai.
CBRE đánh giá, dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh này, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội khi là điểm đến thu hút các nhà đầu tư của các công ty có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, xu hướng này đang bị gián đoạn do cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chính quyền Biden dự kiến sẽ có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách kinh tế như giảm căng thẳng với Trung Quốc và tái gia nhập CPTPP. CBRE dự báo, từ năm 2021, thị trường sẽ đón nhận khoảng 800 ngàn m2 nguồn cung nhà kho cho thuê, tập trung chủ yếu tại các khu vực Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, CBRE Việt Nam từ 2020 trở về sau có 3 xu hướng các nhà đầu tư hướng đến.
Xu hướng đầu tiên là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi.
Xu hướng thứ 2 là chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Nhu cầu phần lớn được dẫn dắt bởi thương mại điện tử.
Xu hướng thứ 3 là chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ tích cực thu mua các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu.
"Những dự án này nằm trong các Khu công nghiệp đã nằm trong quy hoạch và các dự án bất động sản không đạt hiệu quả sẽ là những mục tiêu được tìm kiếm nhiều trong thời gian tới”, ông Lê Trọng Hiếu nhận định.
Theo An Vũ/ Reatimes