Phụ nữ huyện Phú Bình (Thái Nguyên) sử dụng men vi sinh IMO để xử lý rác thải hữu cơ

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2024 | 2:01:36 PM

QLMT - Chế phẩm vi sinh IMO được điều chế bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu tư nhiên rồi lên men, tạo ra nhiều loại vi sinh vật khác nhau tồn tại trong môi trường tự nhiên, có hoạt tính sinh học cao.

Sử dụng men vi sinh IMO để xử lý rác thải hữu cơ đang là giải pháp được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Bình vận động, khuyến khích các hội viên và nhân dân thực hiện. Cách làm này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp người dân giảm chi phí sản xuất nông nghiệp.


Phân bón được ủ từ chế phẩm IMO và rác hữu cơ dùng để tưới rau
 
Trước đây, mỗi lần nấu ăn hay dọn vườn, chị Trần Thị Thùy, xóm Hòa Bình, xã Kha Sơn, thường vứt lá cây, rau củ quả loại vào thùng rác hoặc gốc cây. Từ khi được Hội LHPN xã hướng dẫn cách xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh IMO, chị đã "biến” các loại rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng.

Chị Thủy cho biết: Kinh tế gia đình tôi phụ thuộc vào sản xuất cây rau màu. Kể từ khi áp dụng phương pháp xử lý rác thải này, tôi thấy rất hữu ích. Bởi khi tưới rau, cây ăn quả bằng chế phẩm này, đất sẽ tơi xốp hơn, rau phát triển tốt, ít sâu bệnh và đặc biệt là không tốn chi phí mua phân hóa học. Chỉ với 100 nghìn đồng, tôi làm được 5 lít chế phẩm IMO gốc. Với lượng trên, tôi có thể sử dụng và nhân bản để ủ rác hữu cơ làm phân bón cho 1,5 sào rau trong khoảng 6 tháng. Trong khi đó, nếu sử dụng phân bón hóa học thì tôi mất chi phí khoảng 500-600 nghìn đồng. Ngoài ra, toàn bộ rác thải hữu cơ đều được tận dụng để làm chế phẩm, góp phần giúp nhà cửa luôn sạch đẹp.

Hiện nay, Hội LHPN xã Kha Sơn đã triển khai thí điểm phương pháp xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh IMO tại gần 470 hộ hội viên, chiếm 20% trong tổng số hội viên. Theo chia sẻ của chị Thùy và một số hộ hội viên khác, công thức tạo ra chế phẩm vi sinh IMO rất đơn giản. Nguyên liệu ban đầu gồm có: 2 lít nước sạch, đường, men gốc hoặc men tiêu hóa (loại có chủng Lactobacilus Acidophilus và Bacilus sublitis), sữa chua, cám gạo, hoa quả chín, men rượu. Các nguyên liệu trên được ủ trong 6 ngày là có IMO gốc. Tiếp đó đổ chế phẩm này vào rác hữu cơ và ủ trong 1 tháng. Pha loãng dịch rác sau khi ủ với tỷ lệ phù hợp là có phân bón hữu cơ để tưới cho cây trồng.

Ngoài tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, giá rẻ, người dân còn có thể nhân bản chế phẩm sinh học IMO tại nhà. Chị Trần Thị Tâm, xóm Trại Mới, xã Thượng Đình, cho biết: Từ 1/3 lượng nước men vi sinh IMO gốc ban đầu, tôi chỉ cần bổ sung thêm 2 lít nước, đường, hoa quả chín với định lượng phù hợp. Sau khi ủ 3 ngày sẽ được 1 bình chế phẩm IMO mới.

Loại chế phẩm này mang lại nhiều công dụng thiết thực như: trộn vào thức ăn chăn nuôi để hỗ trợ hệ miễn dịch cho gia súc, gia cầm; phân giải nhanh các loại rác hữu cơ, tạo thành phân bón cho cây trồng; giúp cải tạo đất; xử lý nước ao, hồ nuôi thủy sản.

Từ lợi ích kép mà chế phẩm này đem lại, thực hiện chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, từ năm 2023, song hành với tuyên truyền hội viên phân loại rác thải tại hộ, Hội LHPN huyện đã mở 3 lớp tập huấn, hướng dẫn phương pháp xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh IMO cho cán bộ Hội và chi hội trưởng các chi hội phụ nữ trong toàn huyện; tổ chức tham quan mô hình xử lý rác thải bằng chế phẩm IMO ở tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài ra, hội LHPN 20 xã, thị trấn cũng đã và đang ra quân tuyên truyền ở các chi hội. Điển hình có xã Thanh Ninh, Kha Sơn, Dương Thành, Điềm Thụy đã triển khai hướng dẫn phương pháp này tới 100% chi hội.

Cùng với công tác tuyên truyền, Hội LHPN huyện cũng phối hợp tổ chức mô hình điểm ở xã Xuân Phương, Thượng Đình và tặng 300 thùng chứa rác thải hữu cơ, 300 gói men vi sinh cho các hộ gia đình thực hiện mô hình mẫu xử lý rác thải hữu cơ ở các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao gồm: Lương Phú, Thượng Đình, Thanh Ninh, Hà Châu, Tân Đức.

Bà Thân Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Sau hơn 1 năm triển khai, phương pháp xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh IMO đã ngày càng được nhiều hội viên phụ nữ biết đến và ứng dụng. Đây là cách làm hay, dễ làm, mang lại hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Hội tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên hiểu lợi ích của việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh IMO nhằm nhân rộng mô hình.

Bên cạnh đó, Hội cũng tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn để huy động sự vào cuộc của nhân dân trong hoạt động bảo vệ môi trường ở cơ sở nói chung và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh nói riêng.

Năm 2024, Hội phấn đấu triển khai phương pháp này tại 100% chi hội ở các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Các xã còn lại sẽ lựa chọn để xây dựng mô hình điểm.

MINH NGỌC (T/h)

Tags huyện Phú Bình phụ nữ Thái Nguyên men vi sinh IMO xử lý rác thải hữu cơ rác thải hữu cơ chế phẩm IMO IMO

Các tin khác

Nhân dịp kỉ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chiều 22/6, Tạp chí Môi trường và Đô thị phối hợp với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, UBND xã Giao An tổ chức trao nhà tình nghĩa cho hộ Chị Lê Thị Hòa, Chiềng Nang, Giao An, Lang Chánh, Thanh Hoá

Việc phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính đang được Bộ NN&PTNT và các địa phương tích cực triển khai để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COOP 26 về biến đổi khí hậu, hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Nhận thức được tác hại của rác thải đối với môi trường, phong trào xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh tiết kiệm sinh thái” được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Tĩnh nhân rộng và trở thành điểm sáng ở các khu dân cư. Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Phụ nữ tích cực xây dựng nhà sạch, vườn đẹp, chung sức xây đô thị văn minh, nông thôn mới”.

Cuộc thi ảnh với chủ đề “Cùng hành động vì đại dương xanh” nhằm mục đích truyền thông về thực trạng lạm dụng nhựa và ý thức của con người trong xả rác bừa bãi, gieo cái chết trắng cho đại dương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục