Một hợp tác xã ở Long An, già - trẻ đồng lòng làm lúa bán... tín chỉ carbon

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/10/2023 | 9:15:36 AM

Ở Long An, có một hợp tác xã (HTX) trồng lúa được vun đắp bởi những lão nông cả đời thương cây lúa và một thanh niên từng là kỹ sư ngành xây dựng. Dung hòa sự khác biệt, họ cùng đi đến mục tiêu, trồng lúa chất lượng cao, đưa HTX của mình trở thành một trong những điển hình kiểu mẫu.

Những trạm bơm, con đường mang tên nông dân

Không như nhiều trạm bơm ở các HTX khác được đánh số, hệ thống trạm bơm của HTX Dịch vụ, thương mại nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Long An) đều được gắn với những cái tên vô cùng đặc biệt: Phan Văn Thủ, Trần Vũ Linh, Trần Việt Xô, Trần Văn Thạch… Đây đều là những "lão nông tri điền" cả đời gắn bó với cây lúa, là những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng lên HTX Dịch vụ, thương mại nông nghiệp Cây Trôm lớn mạnh như hiện nay.

Nhưng HTX không chỉ có những lão nông cả đời thương cây lúa, cùng cây lúa trải qua bao thăng trầm ở xứ này, Cây Trôm còn có sự đóng góp của một người trẻ, với tư duy năng động, cởi mở, đó là Giám đốc Bùi Văn Tuấn (sinh năm 1987). Trước khi "bén duyên" với cây lúa, trở thành Giám đốc HTX Dịch vụ, thương mại nông nghiệp Cây Trôm, Tuấn là một kỹ sư xây dựng, từng có thời gian làm việc ở TP.HCM, trong các doanh nghiệp xây dựng lớn. Sau đó, Tuấn về quê, thành lập công ty riêng, tham gia làm các dự án ở địa phương.

Cánh đồng của HTX Cây Trôm liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao
Cánh đồng của HTX Cây Trôm liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: HTX Cây Trôm.

Tháng 2/2017, trên nền tảng của những người nông dân được đặt tên cho những vùng sản xuất của Cây Trôm, Tuấn cùng những lão nông thành lập HTX Dịch vụ, Thương mại Cây Trôm với hy vọng định hình được một cách làm mới, từng bước thay đổi thói quen canh tác của người dân, giúp bà con có cuộc sống ổn định nhờ trồng lúa.

----------------------
Từ 7 thành viên ban đầu, với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, đến nay, HTX Cây Trôm có 63 thành viên và 103 thành viên liên kết với diện tích sản xuất trên 500ha. Năm 2022, doanh thu của HTX từ cây lúa đạt 17 tỷ đồng, còn nếu tính tổng doanh thu tất cả các loại dịch vụ thì đạt 34 tỷ đồng. Với giá lúa ổn định ở mức cao như hiện tại, sản xuất 3 vụ lúa, các thành viên của HTX sẽ đạt lợi nhuận khoảng 90 – 100 triệu đồng/ha/năm.
-------------------------

"Tâm lý hồi xưa thấy làm nông nghiệp vất vả, khổ cực, lại nghèo nên ai cũng ráng học để thoát ly lên thành phố. Bố mẹ tôi cũng sống nhờ cây lúa nên thú thực có lúc tôi rất sợ lúa, sợ là vì mình phải chứng kiến bố mẹ, người dân trong xóm ấp đã vất vả như thế nào. Chính vì vậy, khi quay trở về quê phát triển HTX Cây Trôm, tôi mong muốn bà con làm lúa với tâm thế khác. Trước, bà con bị o ép quá nhiều, ép từ đầu vào đến đầu ra. Nhưng nay, khi tổ chức lại trong HTX, anh mua là quyền của anh, tôi bán là quyền của tôi" - Tuấn lý giải cho quyết định trở về và đường hướng làm ăn với cây lúa của mình.

"Chưa bao giờ trồng lúa, giờ phải tiếp cận từ đầu, hẳn đó là một hành trình vất vả?" - tôi hỏi? Tuấn cười và bảo: "Tôi không có nền tảng kiến thức về sản xuất lúa nên gần như phải học từ đầu, tôi cũng học tập từ chính các chú trong HTX. Họ là những người hiểu rất rõ "nết" của từng cây lúa, từng mùa vụ. Cái chúng tôi muốn hướng đến là bà con nhìn thấy sự khác biệt từ chính quy trình canh tác mà HTX tạo nên, từ đó thay đổi và áp dụng theo".

Giám đốc HTX Cây Trôm Bùi Văn Tuấn
Giám đốc HTX Cây Trôm Bùi Văn Tuấn. Ảnh: K.P

Từ 7 thành viên ban đầu, với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, đến nay, HTX Cây Trôm có 63 thành viên và 103 thành viên liên kết với diện tích sản xuất trên 500ha. Tuấn cho biết, với số vốn ban đầu, HTX dành để hoàn thiện, nâng cấp hệ thống trạm bơm, thủy lợi vì "thủy lợi quyết định đến 40 – 50% sự thành bại trong sản xuất lúa". 

Các trạm bơm, đường ra đồng được đặt tên theo những con người tạo nền móng đầu tiên cho HTX Cây Trôm vì Ban Giám đốc HTX muốn giữ gìn di sản của những người nông dân đã hết lòng vì cây lúa. 

"Như chú Phan Văn Thủ - Chủ tịch HĐQT HTX đồng thời cũng là nông dân sản xuất lúa giỏi nhất ở vùng này, cái gì chú cũng đi tiên phong nên được bà con rất tin tưởng" - Tuấn giải thích.

Để thu hút bà con vào mô hình liên kết, HTX Cây Trôm có chủ trương giảm tiền đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống tối thiểu 5% cho bà con từ đầu vụ, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. 

Theo đó, nông dân chỉ cần yên tâm đầu tư sản xuất theo đúng quy trình, hộ nào áp dụng tốt, giảm lượng phân, thuốc đáng kể sẽ được cộng giá mua thêm từ 50 – 300 đồng/kg lúa theo thang điểm đánh giá của HTX. Nhờ vậy, HTX Cây Trôm thu hút ngày càng đông thành viên, 80% diện tích lúa của HTX đều sản xuất theo kế hoạch và đơn đặt hàng của các doanh nghiệp để xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Nhưng không phải lúc nào việc sản xuất của HTX cũng thuận buồm xuôi gió. Đó là khi giá lúa xuống thấp, đó là khi tác động của dịch Covid-19 năm 2021, lệnh phong tỏa khiến nông dân không thể ra đồng thu hoạch trong khi lúa đã chín rục. Với quyết tâm đảm bảo không bỏ hạt lúa nào của nông dân, HTX phải bù chi phí để đảm bảo thu hoạch hết. "Năm đó, HTX báo cáo lỗ" - Tuấn nhớ lại.

Vượt qua khó khăn, năm 2022, giá lúa ổn định, doanh thu của HTX từ cây lúa đạt 17 tỷ đồng, nếu tính tổng doanh thu tất cả các loại dịch vụ thì đạt 34 tỷ đồng. Tuấn ước tính, với giá lúa ổn định ở mức cao như hiện tại, sản xuất 3 vụ lúa, các thành viên của HTX sẽ đạt lợi nhuận khoảng 90 – 100 triệu đồng/ha/năm. 

"Trồng lúa tuy không mang lại lợi nhuận cao đột biến như các cây trồng khác, lúc nào cũng như "lục bình trôi sông", nhưng bù lại ổn định và ít rủi ro" - Tuấn ví von.

HTX Cây Trôm sử dụng drone (máy bay không người lái) để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa
HTX Cây Trôm sử dụng drone (máy bay không người lái) để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Ảnh: Cây Trôm.

Hướng đến làm lúa để bán tín chỉ carbon

Nhưng ý chí của Ban Giám đốc HTX Cây Trôm có lẽ không muốn dừng lại ở mức thu nhập như "lục bình trôi sông", bởi Tuấn khoe với tôi HTX đang chuẩn bị kế hoạch để tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NNPTNT. 

"Năm 2024, HTX sẽ tham gia sản xuất lúa theo đề án này trên nền tảng là HTX đang sản xuất lúa theo quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu. Do vậy, khi chúng tôi chuyển sang sản xuất lúa giảm phát thải sẽ có nhiều thuận lợi. Theo đó, ngoài kiểm soát tốt lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đã làm rất tốt để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường châu Âu, chúng tôi cần quản lý chặt việc sử dụng nước, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến để giảm phát thải khí nhà kính. Chúng tôi hướng đến mô hình "1 phải, 6 giảm", tức là ngoài việc giảm giống, phân, thuốc… còn phải giảm phát thải" - Bùi Văn Tuấn cho biết.

Giám đốc HTX Cây Trôm chia sẻ, so với cây trồng khác, thu nhập từ cây lúa không cao nhưng nếu sản xuất theo tiêu chuẩn mới, bán được tín chỉ carbon, nâng cao giá trị gia tăng từ hạt gạo thì chắc chắn hạt gạo sẽ không thua gì cây khác. 

"Bạn cũng thấy, do tác động của El Nino, nhiều nước đã có những động thái hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo tiêu dùng trong nước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao, trong khi đó, diện tích lúa ở nhiều địa phương có xu hướng thu hẹp, do vậy chúng tôi nhận định đang có nhiều cơ hội cho Cây Trôm phát triển. Trước mắt, chúng tôi xác định, nâng chất toàn bộ 500ha diện tích canh tác theo tiêu chuẩn châu Âu để tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NNPTNT, tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm chế biến sâu từ hạt gạo để bà con sống an ấm, yên vui nhờ cây lúa" - Bùi Văn Tuấn khẳng định.

Theo Khánh Nguyên/danviet.vn

Tags Long An hợp tcs xã trồng lúa nông dân bán tín chỉ carbon

Các tin khác

Sau gần 4 năm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du, chương trình đã thu gom được trên 56 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với 5,6 triệu vỏ hộp sữa.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Sáng ngày 8/3, tại chợ nông thôn Vị Thanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ ra mắt thực hiện mô hình "Phụ nữ xách giỏ đi chợ" nhằm vận động tuyên truyền bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng túi nilon.

Mô hình “Hố rác xanh” được xây dựng tại 10 hộ gia đình ở thôn An Mỹ. Hố được xây dựng bằng gạch, thể tích chứa 0,7 m3, phía trên có nắp đậy kín.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục