Những người tình nguyện dọn rác dưới dòng kênh ô nhiễm

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/10/2023 | 4:10:04 PM

Ngày 12/10, chúng tôi có hành trình cùng nhóm tình nguyện Sài Gòn Xanh đi dọn rác thải tại một con kênh quanh năm ô nhiễm ở ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

8h sáng, gần hai chục thành viên và cộng tác viên gồm sinh viên một số trường đại học, cả người nổi tiếng từng đoạt giải hoa hậu quốc tế quí bà đã đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ bằng cao su, đeo găng tay y tế và găng tay chống vật sắc nhọn cắt đứt, sẵn sàng lao xuống dòng kênh ô nhiễm đang bốc mùi hôi thối.


Rác thải được dồn vào một góc trước khi vớt lên bờ.

Trưởng nhóm Nguyễn Lương Ngọc phát động, tất cả ùa xuống dòng kênh. Lớp cỏ cao cả mét được cắt sạch. Những miếng vỡ của bàn ghế cũ, túi nilon, quần áo cũ, vỏ hộp đựng thức ăn, vải bạt, sắt phế liệu, mảnh kính vỡ, kim tiêm, xác động vật từ từ nổi lên giữa làn nước đen kịt, đặc quánh kéo theo mùi hôi thối nồng nặc khó tả.

Nhưng quyết tâm làm cho thành phố sạch, đẹp, các thành viên cứ thoăn thoắt dùng tay vớt từng miếng gỗ mục, sắt phế liệu gỉ sét, mảnh gốm vỡ, lùa rác trôi nổi vào rổ đưa lên bờ. Sau 4 giờ, hàng tấn rác thải sinh hoạt các loại, rác thải rắn, rác thải nguy hiểm được dọn sạch, trả lại dòng nước chảy vốn có của con kênh.

Nguyễn Lương Ngọc quê ở Gia Lai, xuống TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Sau những ngày tháng "đánh bóng mặt đường” làm đủ các nghề để kiếm sống, anh nhận thấy nhiều người dân vẫn có thói quen vứt rác mọi lúc, mọi nơi mà không cần quan tâm đến xung quanh. Trong những con hẻm vắng, ngoài vùng ven, rác không được đóng gói vào túi cẩn thận mà vứt bừa bãi cả trên mặt đường lẫn cống thoát nước… Những con kênh, con rạch, rác các loại cùng với xác động vật chết lưu cữu nhiều ngày tháng không những ngăn cản dòng chảy mà còn phân hủy, bốc mùi hôi thối khó chịu suốt ngày đêm.

Ngọc suy nghĩ nhiều đêm. Xuất phát điểm là công nhân lao động nên anh đã chọn cho mình cách vừa trực tiếp đi thu dọn rác vừa tìm cách tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh đến đông đảo người dân. Tháng 12/2022, Ngọc cùng người bạn thân là Hồ Văn Vĩ lập nhóm tình nguyện lấy tên là Sài Gòn Xanh với hy vọng sẽ lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến nhiều người dân để TP Hồ Chí Minh xứng đáng với thương hiệu xanh - sạch - đẹp.

Mặc dù là nhóm nhưng những ngày đầu chỉ có Ngọc và Vĩ. Mỗi tuần hai bạn trẻ này dành 3 - 4 ngày đi dọn rác ở các cống nghẹt, các kênh rạch ở khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp…

Thiếu kinh phí, cả hai chỉ sắm được vài bộ quần áo bảo hộ cùng găng tay cao su mỏng manh nên khi chui xuống cống, rãnh hoặc lội xuống dòng kênh vớt rác thường bị cây sắt nhọn, mảnh thủy tinh, kim tiêm đâm vào cơ thể, hóa chất ngấm vào da gây nhiễm trùng phải đến bệnh viện điều trị. Nhưng cả hai không bỏ cuộc. Lâu dần, khi đăng những hoạt động của nhóm lên trang cá nhân, nhận thấy việc làm này mang lại ý nghĩa cao đẹp, rất nhiều bạn là sinh viên, những thanh niên có tinh thần tình nguyện và cả những người nổi tiếng xin gia nhập nhóm.

Hiện có trên 500 tình nguyện viên thường trực. Ngoài ra còn có những mạnh thường quân tìm đến hỗ trợ về kinh phí. Tuy không nhiều nhưng cũng giúp các thành viên trong nhóm trang bị được những bộ quần áo bảo hộ tốt hơn, mua được bao tay chống cắt, ủng cao su dầy… và đặc biệt là tất cả thành viên đều được tiêm ngừa uốn ván, ngừa sốt xuất huyết, ngừa cảm…

Sau 10 tháng hoạt động, nhóm Sài Gòn Xanh đã thực hiện dọn rác ở trên 100 khu vực kênh, rạch với khối lượng rác thải các loại lên đến trên 1.500 tấn, giao lại cho các địa phương vận chuyển đến điểm xử lý. Ngoài TP Hồ Chí Minh, nhóm cũng đã đến các tỉnh Tiền Giang, Bình Dương vớt rác với mong muốn góp phần nâng cao ý thức của người dân vùng nông thôn; dọn rác ở các bãi biển thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm đánh thức ý thức giữ gìn vệ sinh của du khách.

Với tác động từ nhóm Sài Gòn Xanh, đến nay thanh niên, sinh viên ở một số tỉnh, thành như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang… cũng đã lập ra những nhóm tình nguyện để chung tay làm sạch môi trường.

Cùng tham gia vớt rác tình nguyện trong đợt này còn có kiến trúc sư Nguyễn Thị Diệu Vân, hoa hậu quí bà quốc tế năm 2023.  Chị Vân bảo: "Cách đây hơn hai tháng, sau khi xem clip tình nguyện dọn rác làm sạch môi trường của nhóm Sài Gòn Xanh, em nhận thấy việc làm này thật ý nghĩa nên đã liên hệ với trưởng nhóm xin tham gia. Lúc đầu, các bạn có hơi ngại nhưng sau thì các bạn chào đón nồng nhiệt. Có lần em đang lội dưới kênh ở huyện Bình Chánh để dọn vớt rác mà người dân đứng trên bờ ném thẳng bọc rác nhà họ thải ra vào vùng nước ngay trước mặt… Rất mong mọi người hãy nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung…”.

Ông Lê Minh Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Đức cho biết, trước khi thực hiện việc dọn vớt rác, các em có đến trụ sở liên hệ. Nhận thấy đây là việc làm mang tính nhân văn, mang lại sự trong sạch cho môi trường, hơn nữa cũng góp phần cùng các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về vệ sinh thôn xóm, giữ gìn môi trường trong sạch nên UBND đã đồng ý hỗ trợ, tạo điều kiện để các em thực hiện tốt việc làm đầy ý nghĩa của mình.

Hy vọng ngày càng có nhiều nhóm tình nguyện như các em để lan tỏa sâu rộng hơn nữa, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Theo Đức Cường/cand.com.vn

Tags dọn rác tình nguyện Sài Gòn Xanh kênh ô nhiễm TP Hồ Chí Minh

Các tin khác

Sau gần 4 năm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du, chương trình đã thu gom được trên 56 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với 5,6 triệu vỏ hộp sữa.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Sáng ngày 8/3, tại chợ nông thôn Vị Thanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ ra mắt thực hiện mô hình "Phụ nữ xách giỏ đi chợ" nhằm vận động tuyên truyền bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng túi nilon.

Mô hình “Hố rác xanh” được xây dựng tại 10 hộ gia đình ở thôn An Mỹ. Hố được xây dựng bằng gạch, thể tích chứa 0,7 m3, phía trên có nắp đậy kín.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục