Bạc Liêu: Xây dựng các mô hình du lịch sinh thái rừng, dịch vụ xanh

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/4/2023 | 4:30:58 PM

QLMT - Bạc Liêu đang nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch dưới những tán rừng để góp phần đa dạng sinh kế cho người dân, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị từ các sản phẩm, dịch vụ xanh.

Gần đây, khi đến Bạc Liêu du khách sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn cho cung đường du lịch, trong đó các điểm du lịch sinh thái dọc theo tuyến ven biển là những điểm nhấn ấn tượng. Nổi bật trong số đó là Nông trại Tôm Khỏe, Vườn nhà Tôm, khu du lịch sinh thái Hương Rừng, Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1 (huyện Hòa Bình), Vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải)…

Ngoài vai trò chắn sóng biển, làm nơi cư trú cho các loài động vật hoang dã, những cánh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở Bạc Liêu còn giàu tài nguyên để xây dựng các mô hình du lịch sinh thái hấp dẫn. 



Dự án du lịch sinh thái dự án Điện gió Hòa Bình 1 (hay Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1) gồm nhiều hạng mục như khu resort trên bờ gồm tổ hợp khách sạn, cà phê hồ, bể bơi, vườn cây ăn trái…

Thời gian qua, Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1 không còn là công trình công nghiệp đơn thuần mà đã trở thành sản phẩm du lịch sinh thái. Khu du lịch đang từng bước hoàn thiện để cung cấp các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí theo hướng cho du khách tận hưởng môi trường du lịch xanh. Đó là đi xe điện, xe đạp để ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp ở cánh đồng điện gió trên biển.

Ngoài ra, du khách còn có thể ngồi thuyền đi khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, dựng lều cắm trại trên những thảm cỏ xanh ven biển và thưởng thức các đặc sản của biển như: cá thòi lòi, cá nâu, nghêu, ốc hương, cua…

Để phát huy tiềm năng và khai thác dư địa của du lịch sinh thái rừng, Ban Quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh đang xây dựng Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Mục tiêu của Đề án là phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, đảm bảo hài hòa giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Đối tượng, quy mô thực hiện Đề án được xác định tại các khu vực thuộc: Rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu, rừng đặc dụng Vườn chim Lập Điền và rừng phòng hộ ven biển. Theo đó, đơn vị sẽ tiến hành thu thập, đánh giá và phân tích hiện trạng tài nguyên rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ven biển Bạc Liêu; điều tra, thu thập các thông tin liên quan đến vùng thực hiện Đề án như: tình hình sử dụng đất, dân cư, phong tục tập quán canh tác, hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, phòng cháy - chữa cháy rừng và vệ sinh môi trường), các giá trị về cảnh quan, lịch sử và văn hóa có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch sinh thái.

Ngoài ra, khảo sát để dự báo tác động môi trường của các công trình du lịch về chỉ tiêu xói mòn, khả năng giữ đất, giữ nước, ô nhiễm đất, nước.



Với định hướng mở rộng không gian du lịch về phía biển, tỉnh Bạc Liêu đang nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch dưới những tán rừng để góp phần đa dạng sinh kế cho người dân, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị từ các sản phẩm, dịch vụ xanh.

Vào những dịp lễ hay ngày cuối tuần, các điểm du lịch sinh thái rừng luôn thu hút đông du khách đến vui chơi, giải trí. Không chỉ tận hưởng không khí trong lành, thỏa sức check-in với cảnh sắc rừng, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động rất thú vị gắn liền với đời sống thường nhật của người dân xứ biển. Nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ tỏ ra thích thú khi được ra vườn thu hoạch rau, lội vuông bắt ốc len, đổ lú thu hoạch tôm, cua và thưởng thức ẩm thực trên bè nổi.

Yên Hoà 

Tags Bạc Liêu Xây dựng mô hình Du lịch sinh thái rừng Dịch vụ xanh

Các tin khác

Sau gần 4 năm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du, chương trình đã thu gom được trên 56 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với 5,6 triệu vỏ hộp sữa.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Sáng ngày 8/3, tại chợ nông thôn Vị Thanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ ra mắt thực hiện mô hình "Phụ nữ xách giỏ đi chợ" nhằm vận động tuyên truyền bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng túi nilon.

Mô hình “Hố rác xanh” được xây dựng tại 10 hộ gia đình ở thôn An Mỹ. Hố được xây dựng bằng gạch, thể tích chứa 0,7 m3, phía trên có nắp đậy kín.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục