Đề xuất xây dựng mô hình thí điểm phân loại, tái chế rác thải sinh hoạt tại nguồn

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/8/2021 | 3:18:43 PM

QLMT - Qua nghiên cứu, khảo sát thực trạng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, nghiên cứu các loại chất thải hữu cơ khác và thực trạng thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi tại các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, nhóm liên danh các đơn vị nghiên cứu và triển khai công nghệ trong nước đã xây dựng đề án đề xuất “Xây dựng mô hình thí điểm Phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt hữu cơ tại nguồn, sản xuất và cung ứng đệm lót sinh học sử dụng trong xử lý chất thải chăn nuôi và thu gom chất thải hữu cơ để chế biến phân bón hữu cơ trên địa bàn Hà Nội”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ, liên danh các đơn vị nghiên cứu và triển khai công nghệ trong nước trên gồm: Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ; Công ty CP Thương mại và sản xuất chế phẩm sinh học Biophar; Viện Môi trường Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đã tiến hành lập đề án đề xuất với Ban chỉ đạo chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cùng các sở, ngành Thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan để tham mưu cho các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì của Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm nói trên.

Đề xuất xây dựng mô hình thí điểm phân loại, tái chế rác thải sinh hoạt tại nguồn
Ảnh minh hoạ. Internet

Mục tiêu chung

Đề xuất mô hình thí điểm này được xây dựng dựa trên những yếu tố về giải pháp và công nghệ, tài chính, thị trường, sản phẩm phù hợp với điều kiện của Việt Nam đã được triển khai thành công ở một số địa phương trong nước. Nhóm đơn vị nghiên cứu sẽ tính toán, thiết kế, triển khai mô hình thí điểm này và sẽ  điều chỉnh, bổ xung cho phù hợp với thực tế của nông thôn thành phố Hà Nội.

Từ mô hình thí điểm, sẽ đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích việc thu gom, phân loại tại nguồn và tái chế chất thải hữu cơ, đầu tư cơ sở xử lý chất thải hữu cơ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Việc thiết kế mô hình thí điểm sẽ thông qua việc lập kế hoạch khả thi trong việc thu gom phân loại và thu hồi giá trị từ rác, giảm khối lượng rác thải, đặc biệt là rác hữu cơ, kể cả phế thải hữu cơ trong nông nghiệp phát sinh từ các hộ gia đình. Nhằm mục đích khuyến khích người dân tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch tại chỗ cho cây trồng, hoặc nuôi giun phục vụ chăn nuôi, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, tạo cảnh quan môi trường - xanh - sạch - đẹp.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân tại khu vực thí điểm và các chủ thể liên quan trong bảo vệ môi trường nói chung, giữ gìn môi trường sống nói riêng; hạn chế phát thải chất thải rắn, tái chế, tái sử dụng và tạo ra giá trị từ chất thải rắn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Đơn vị đề xuất kỳ vọng mô hình này là tiền đề để nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn hữu cơ có hiệu quả tại khu vực nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách và phương án phù hợp để triển khai mở rộng trên toàn thành phố Hà Nội.

Dự án đề xuất lập kế hoạch triển khai, bảo đảm các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương để giải quyết đồng bộ vấn đề phân loại và xử lý CTR sinh hoạt hữu cơ tại nguồn từ các hộ, cụm hộ gia đình nông thôn của thành phố Hà Nội.

Trước mắt một cơ sở xử lý rác hữu cơ tập trung sẽ được xây dựng tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ với quy mô cấp huyện để sản xuất và cung ứng đệm lót sinh học sử dụng trong xử lý chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm của các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi tại các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa. Cơ sở này còn có nhiệm vụ thu gom, tái chế rác thải hữu cơ sau phân loại tập trung và các loại phế thải hữu cơ sau sử dụng đệm lót sinh học làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội. Dự kiến, khi thành công sẽ nhân rộng mô hình xử lý rác thải hữu cơ tập trung tại các huyện khác.

Tại cơ sở chế biến phân hữu cơ tập trung đầu tiên này sẽ xây dựng mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ, cụm hộ gia đình; mô hình sử dụng phế thải hữu cơ để nuôi giun; sử dụng phân hữu cơ để trồng cây... nhằm phục vụ tham quan, huấn luyện và đào tạo nông dân, học sinh để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Dự án được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu từ CTR sinh hoạt tới môi trường nông thôn. Tạo ra sản phẩm nguyên liệu hữu cơ sạch tại chỗ để chăm sóc cây trồng, vật nuôi ở nông thôn. Tạo môi trường nông thôn luôn xanh - sạch - đẹp góp phần xây dựng nông thôn mới. 

Mục tiêu cụ thể 

Trong năm 2021:

Các đơn vị đề xuất dự kiến sẽ thống nhất nội dung, phương pháp và địa điểm triển khai dự án; xây dựng và đề xuất cơ chế hỗ trợ xây dựng mô hình; xây dựng và triển khai mô hình phân loại, xử lý CTR hữu cơ tại hộ và cụm hộ gia đình ở các thôn, xã, thuộc các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mê Linh, Ba Vì (theo quy mô đề xuất thí điểm của địa phương). Lựa chọn và cải tạo điểm tập kết rác thành điểm phân loại và sơ chế rác hữu cơ tập trung, tạo điều kiện cho việc xử lý, tái chế rác hữu cơ tập trung được thuận lợi. Khuyến khích các huyện ứng kinh phí sự nghiệp môi trường cho xây dựng mô hình.

Lựa chọn địa điểm tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ để thuê đất và đầu tư mô hình thí điểm cho xưởng sản xuất và cung ứng đệm lót sinh học sử dụng trong xử lý chất thải chăn nuôi và thu gom chất thải hữu cơ để chế biến phân bón hữu cơ quy mô cấp huyện. Doanh nghiệp sẽ ứng trước kinh phí để thực hiện mô hình thí điểm.

Xây dựng mới hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và môi trường, hoặc xây dựng đề án dịch vụ môi trường cho hợp tác xã hoặc doanh nghiệp dịch vụ môi trường tại địa phương nếu đủ điều kiện tham gia dự án.
Tổ chức chương trình tập huấn về mô hình "phân loại và tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn” tại các địa bàn đã lựa chọn và thống nhất với các địa phương tham gia chương trình thí điểm.

Hỗ trợ các hộ, cụm hộ gia đình trong khu vực dự án tham gia mô hình thí có dụng cụ xử lý chất thải hữu cơ sau phân loại và chế phẩm xử lý rác hữu cơ tại nguồn. CTR vô cơ sau phân loại sẽ được thu gom về điểm tập kết rác để chở về xử lý tại bãi rác tập trung của thành phố.

Lựa chọn được vị trí quy hoạch điểm tập kết rác để cải tạo phù hợp cho mục tiêu phân loại rác tập trung và sơ chế rác hữu cơ sau phân loại để đưa về cơ sở tái chế rác hữu cơ thí điểm của huyện.

Thí điểm việc sản xuất và sử dụng đệm lót sinh học cho xử lý môi trường chăn nuôi tập trung theo phương thức thị trường, có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước.

Thu gom rác hữu cơ sau phân loại tại điểm tập kết rác và đệm lót sinh học đã sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ tại cơ sở tái chế hữu cơ thí điểm.

Thí điểm sử dụng các phương tiện vận chuyển chuyên dùng cho thu gom, vận chuyển chất thải hữu cơ sau phân loại tập trung, đệm lót sinh học và phân hữu cơ ở nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Thí điểm xây dựng hạng mục xử lý chất thải lỏng giàu dinh dưỡng để vừa xử lý chất thải, vừa tận thu dinh dưỡng. Hệ thống này trước mắt làm với quy mô nhỏ (khoảng 30m3/ngày) xử lý phân hầm cầu và nước rỉ rác của cơ sở để bổ sung cho quá trình ủ rác hữu cơ; sau khi có hiệu quả sẽ mở rộng để xử lý các loại chất thải lỏng khác như chất thải chăn nuôi, chất thải thủy sản…

Thí điểm mô hình nuôi giun, công nghệ sản xuất compost giun (vermi-compost) và chế biến sản phẩm từ giun để có thể tiêu thụ hết 10-20 tấn phân compost giun/ngày với giá cao (khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tấn).

Trong năm 2022:

Hoàn thiện mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn (với các hộ, cụm hộ gia đình đủ điều kiện) và phân loại, sơ chế rác thải hữu cơ tập trung tại điểm tập kết rác, tỷ lệ phải đạt 95% lượng rác hữu cơ phát sinh trên địa bàn của dự án.

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở tái chế rác hữu cơ, phế thải hữu cơ khác tập trung phù hợp với quy mô cấp huyện.

50% các hộ dân cư còn lại trong vùng dự án có dụng cụ phân loại và chế phẩm xử lý rác hữu cơ  tại nguồn, số rác còn lại được phân loại và xử lý đạt tiêu chuẩn. 

100% thôn, khu dân cư vùng dự án thành lập được tổ thu gom rác thải sinh hoạt, 100% khu vực công cộng được đặt thùng rác phục vụ nhân dân.

Các cụm công nghiệp, doanh nghiêp, trong toàn vùng dự án phải thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và ký hợp đồng thu gom, xử lý CTR theo quy định (sau khi đã phân loại).

Mỗi thôn xây dựng ít nhất 1 ga (trạm trung chuyển) rác để phục vụ công tác thu gom CTR sinh hoạt, phân loại tập trung và sở chế biến rác hữu cơ có mái che.

Các cơ sở chăn nuôi tập trung sẽ triển khai sử dụng đệm lót sinh học trong xử lý môi trường chăn nuôi và ký hợp đồng với doanh nghiệp tái chế chất thải hữu cơ.

Tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm, đề xuất cơ chế tài chính, phương thức quản lý, vận hành và cơ chế ưu đãi đầu tư cho xử lý môi trường nông thôn Hà Nội.

Sau năm 2022, triển khai mô hình của dự án mở rộng các địa phương khác trong  thành phố Hà Nội.

Đề án trên đưa ra đề xuất, trong thời gian tới, trên cơ sở thỏa thuận giữa Ban thường trực Chương trình nông thôn mới của Thành phố Hà Nội với đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ, hai bên thống nhất nội dung hợp tác và phân chia trách nhiệm để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: Chương trình nông thôn mới, các địa phương, các phòng, ban, ngành, đoàn thể của thành phố Hà Nội, UBND các huyện, xã, làm mô hình thí điểm. Cùng chính quyền cơ sở và doanh nghiệp dịch vụ về môi trường do địa phương thành lập mới hoặc chỉ định ở các xã triển khai thí điểm một cách hiệu quả, từ công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và tổ chức người dân thực hiện phân loại, tạo ra giá trị thu hồi từ rác và tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn.

Hà Vy

Tags đề xuất đề án xây dựng mô hình thí điểm phân loại rác tái chế rác thải sinh hoạt tại nguồn tái chế rác hữu cơ phân bón hữu cơ đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi

Các tin khác

Sau gần 4 năm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du, chương trình đã thu gom được trên 56 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với 5,6 triệu vỏ hộp sữa.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Sáng ngày 8/3, tại chợ nông thôn Vị Thanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ ra mắt thực hiện mô hình "Phụ nữ xách giỏ đi chợ" nhằm vận động tuyên truyền bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng túi nilon.

Mô hình “Hố rác xanh” được xây dựng tại 10 hộ gia đình ở thôn An Mỹ. Hố được xây dựng bằng gạch, thể tích chứa 0,7 m3, phía trên có nắp đậy kín.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự