Theo UNODC, 19% các vụ tịch thu sản phẩm động vật hoang dã trên toàn thế giới được thực hiện tại khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi và đây trở thành là một trong những nguồn cung cấp cho buôn lậu động vật hoang dã phổ biến nhất.
Nghiên cứu được thực hiện với sự cộng tác của Hiệp hội quốc tế về chống tội phạm động vật hoang dã (ICCWC), bao gồm các bên liên quan chính như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hải quan Thế giới.
Dựa trên dữ liệu từ hơn 140.000 hồ sơ bắt giữ trên 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, báo cáo đã làm sáng tỏ quy mô của hoạt động buôn lậu động, thực vật hoang dã.
Buôn bán động hoang dã trái pháp luật trên thế giới ước tính trị giá lên tới 20 tỷ USD mỗi năm. Ảnh minh hoạ: IT
Từ năm 2015-2021, khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi cùng với Nam Á chiếm phần lớn các luồng thương mại toàn cầu về buôn bán động vật hoang dã với 44% tổng số vụ bắt giữ được ghi nhận.
Trong số các nhóm loài bị nhắm mục tiêu, tê tê là loài bị buôn bán nhiều nhất, chiếm tới 32% số vụ bắt giữ trong thời gian này. Ngoài ra, voi và các loài động vật ăn thịt, được xếp hạng trong số 5 nhóm loài hàng đầu bị thu giữ ở cả châu Phi và châu Á.
Tại châu Phi, tê tê, tê giác và voi chiếm hơn 95% tổng số vụ tịch thu. Ở châu Á, phần lớn các vụ bắt giữ liên quan đến gỗ, sau đó là các mặt hàng tê tê.
Ở châu Âu, cá chình dẫn đầu, tiếp theo là trầm hương. Ở châu Mỹ, gỗ (tuyết tùng) cho đến nay là nhóm xếp hàng đầu (79%), tiếp theo là cá sấu và gỗ cẩm lai (lần lượt là 5% và 3%).
Ở châu Đại Dương, các nhóm bị buôn lậu theo thứ tự gồm cá sấu, rễ cây costus, rắn, nhân sâm và xương rồng.
Các mặt hàng san hô, cá sấu và rắn nổi bật hơn ở 3 khu vực còn lại, trong đó vẹt và vẹt mào nổi bật ở châu Mỹ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở châu Đại Dương. Thực vật cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong các hồ sơ ở châu Âu (ví dụ như lô hội và xương rồng) và ở châu Đại Dương (như rễ cây costus và nhân sâm).
Báo cáo của Liên hợp quốc nhấn mạnh tác động tàn phá của buôn lậu đối với sự ổn định và khả năng phục hồi của đa dạng sinh học và hệ sinh thái toàn cầu, cũng như làm suy yếu các giá trị môi trường, xã hội và kinh tế.
Báo cáo cũng cho thấy nhu cầu cấp thiết về hành động phối hợp để giải quyết nạn buôn bán động, thực vật hoang dã hiện nay.
HẢI ĐĂNG (T/h)