Siêu bão Yagi là cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng khi đổ bộ vào Việt Nam. Mặc dù đã có công tác chuẩn bị, ứng phó chu đáo, nhưng siêu bão này vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.
Cả một thôn làng ở Lào Cai bị san phẳng sau lũ quét kinh hoàng. Ảnh: Tống Huê
Tỉnh Lào Cai và Yên Bái là 2 địa phương thiệt hại nặng nhất. Tại Lào Cai đã có 98 người chết, 81 người mất tích. Riêng vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, cơ quan chức năng đã tìm thấy 47 thi thể nạn nhân và vẫn còn 59 người dân mất tích (tính đến ngày 12/9).
Mưa lũ làm ngập nước, sạt lở, cuốn trôi khoảng 9.172 nhà ở. Sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề với hơn 3.600ha lúa, ngô, hoa màu, cây trồng hàng năm, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp, chuối bị gãy đổ; 384 chậu địa lan, cây cảnh các loại.
Hơn 190ha diện tích thủy sản và 445 tấn cá thương phẩm, 449.000 con cá giống bị chết, lũ cuốn trôi. Hư hỏng 210 chuồng trại chăn nuôi; chết 213 con gia súc, 1.872 con gia cầm…
Toàn tỉnh có trên 80% các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ, huyện và xã quản lý bị ngập, sạt lở không đi lại bằng ôtô; 56 xã bị cô lập hoàn toàn (36,8%).
Hiện nay còn 3 xã A Lù, Y Tý, Dền Thàng vẫn bị cô lập hoàn toàn không thể đi bộ được; 32 xã không thể tiếp cận bằng ôtô. Cũng trong ngày 9.9, có 3/9 huyện bị mất điện hoàn toàn; 103/152 xã bị cô lập không có điện.
Tại tỉnh Yên Bái có 48 người chết, 2 người mất tích. Mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt cũng làm 22.900 nhà dân ở tỉnh này bị thiệt hại, hư hỏng, ngập lụt, trong đó có 128 nhà dân sập đổ hoàn toàn, và hơn 21.400 nhà bị ngập lụt. Toàn tỉnh Yên Bái cũng di dời gần 12.400 hộ dân trong vùng nguy hiểm để bảo đảm an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 15 giờ 30 phút đến đêm 12/9, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2 và ở trên báo động 1. Từ ngày 13 - 23/9, thời tiết khu vực Bắc Bộ có xu hướng tốt dần lên; chủ đạo là ngày nắng, một vài nơi có mưa rào và dông vào chiều tối.
Từ 15 giờ 30 phút đến đêm 12/9, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2 và ở trên báo động 1. Hạ lưu vùng đồng bằng sông Thái Bình từ 15 giờ 30 phút tới đêm 12/9 sẽ vẫn lên chậm, duy trì ở mức cao trên báo động 3 tại các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, đặc biệt tại Nam Định mực nước lũ trên sông Đào, sông Ninh Cơ tiếp tục lên và đạt đỉnh vào tối 12/9 (khoảng 19h - 22h) và đều vượt mức lũ lịch sử năm 1971 (Nam Định 5,3 - 5,35m, Trực Phương 3,75m).
Chính quyền địa phương và người dân ở khu vực Bắc Bộ cần hết sức lưu ý, mặc dù trời không mưa nhưng nguy cơ về sạt lở đất vẫn còn rất cao trong những ngày tới; đặc biệt trên khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc vì vừa qua, khu vực này đã xảy ra một đợt mưa rất lớn và kéo dài nên trạng thái đất đã trở nên bão hòa. Tại một sống địa phương, công tác di dời người dân vẫn tiếp tục được triển khai với phương châm an toàn của người dân là trên hết, trước hết.
THẾ ANH