Không chỉ dừng lại ở việc khắc phục thiệt hại về cơ sở hạ tầng, công tác vệ sinh môi trường sau bão trở thành ưu tiên hàng đầu để bảo đảm sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh lan rộng.
Nỗ lực dọn dẹp và khôi phục sau bão
Từ ngày 7/9 đến nay là khoảng thời gian hết sức căng thẳng với chính quyền và Nhân dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước khi cơn bão số 3 đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão như Quảng Ninh, Hải Phòng… còn chưa khắc phục xong những thiệt hại của bão thì tại các tỉnh miền núi phía Bắc lại liên tiếp xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Nhân viên URENCO Hà Nội thực hiện dọn vệ sinh sau bão trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Lam Thanh
Bão số 3, với sức gió mạnh, lượng mưa lớn đã làm ngập lụt hàng nghìn ngôi nhà, phá hủy hàng trăm hecta lúa và hoa màu, đồng thời gây ra nhiều vụ sạt lở đất ở các khu vực miền núi. Theo thống kê sơ bộ, các tỉnh như Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai… là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt cây cối bị đổ gãy, đường sá bị chia cắt và các khu vực dân cư bị cô lập do mưa lũ. Tình trạng chung tại các khu vực bão lũ đi qua, nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…
Riêng tại Hà Nội, theo thống kê, TP có tới 24.800 cây đổ, tập trung ở các quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm... Tuy nhiên, sau khi bão tan, nước lũ rút, thách thức lớn nhất không chỉ là phục hồi lại cuộc sống cho người dân mà còn là việc làm sạch và khôi phục môi trường sống.
Nước lũ rút đi để lại lượng rác thải khổng lồ, cùng với các chất thải nguy hại như dầu mỡ từ phương tiện giao thông, các hóa chất bị rửa trôi từ các khu công nghiệp, và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Vì vậy, ngay sau khi bão tan, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và tình nguyện viên đã được huy động để tham gia công tác dọn dẹp. Tại Quảng Ninh, gần 6.000 binh sĩ đã được điều động để giúp người dân khắc phục hậu quả. Các thiết bị cơ giới như xe tải, máy xúc và máy bơm nước cũng được triển khai để hỗ trợ việc di dời các đống đổ nát, bùn đất và rác thải. Các tuyến đường bị ngập đã được khơi thông, bảo đảm giao thông và hỗ trợ việc cứu trợ lương thực, nước uống cho những khu vực bị cô lập.
Tại Hà Nội, để bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực trọng điểm, ngay khi bão vừa tan, 100 thành viên Tổ xung kích Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã bắt tay thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường tại một số điểm trên phố Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám và khu vực thuộc Chi nhánh Ba Đình phụ trách. Đến nay, công tác dọn dẹp, giải tỏa cây xanh gãy đổ đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm giao thông đi lại cho người dân.
Còn tại các tỉnh phía Bắc, sau khi nước lũ rút, rác thải từ đất bùn, cây cối gãy đổ, đồ dùng sinh hoạt, vật liệu xây dựng trôi nổi, thậm chí cả xác động vật chết đã phủ khắp các con đường, nhà cửa, khiến công tác vệ sinh môi trường trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Lực lượng chức năng và người dân đang tích cực dọn dẹp rác rưởi và bùn đất để sớm khôi phục cuộc sống bình thường. Sau khi nước lũ rút, các TP Lào Cai, Yên Bái trở nên bề bộn với lượng lớn bùn đất và rác thải bao phủ khắp các con đường và khu dân cư, quá năng lực thu gom, xử lý của công ty vệ sinh môi trường địa phương.
Do vậy chính quyền đã phải huy động các lực lượng chức năng, bao gồm cả bộ đội biên phòng, đang tích cực hỗ trợ người dân dọn dẹp, tập trung vào việc nạo vét cống rãnh và thu gom bùn đất. Ông Nguyễn Đức Dục - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết, số lượng rác thải sau mưa lũ không chỉ nhiều gấp hàng trăm lần so với ngày thường mà tất cả các loại rác còn quyện chặt với bùn, đá, đất, làm cho việc thu gom bằng các phương tiện thông thường không thể thực hiện được.
Ngoài ra, việc xử lý nguồn nước ô nhiễm cũng hết sức cấp bách. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt cần phải đun sôi nước trước khi sử dụng để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Các biện pháp khử trùng, xử lý nước thải đã được triển khai tại nhiều nơi, nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Nhiều khu vực bị ngập lụt đã được phun thuốc diệt khuẩn để ngăn ngừa sự lây lan của các dịch bệnh truyền nhiễm sau bão.
Sức mạnh cộng đồng và các giải pháp dài hạn
Bên cạnh sự hỗ trợ từ chính quyền và các lực lượng chức năng, cộng đồng địa phương cũng là "nòng cốt” trong công tác dọn dẹp và khôi phục môi trường. Thực tế, nhiều người dân đã tự nguyện tổ chức các đội tình nguyện để giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, cùng nhau làm sạch đường phố, nhà cửa và khu vực sinh hoạt.
Các tổ chức đoàn thể, như Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ, cũng có những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương. Tuy nhiên, để bảo đảm môi trường được phục hồi hoàn toàn và tránh những hậu quả tương tự trong tương lai, cần có những giải pháp dài hạn. Các chuyên gia khuyến nghị, cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống lũ, như hệ thống thoát nước, đê điều và các công trình chống sạt lở đất. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và quản lý rác thải cũng là yếu tố then chốt để giảm thiểu tác động của thiên tai trong tương lai.
Trao đổi về phương châm trong việc xử lý môi trường sau bão lụt của Bộ Y tế, ThS Nguyễn Huy Cường - Phó trưởng phòng Quản lý sức khỏe môi trường, Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế cho biết: "Phương châm là nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; kịp thời thu gom, xử lý xác gia súc, gia cầm, động vật chết; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt để bảo đảm có nước sạch cho người dân".
Cũng theo ông Nguyễn Huy Cường, để bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ trong thời gian tới, ngành y tế của địa phương, nhất là các tỉnh thường bị bão lụt cần phải chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án về nhân lực, nguồn lực tại tất cả các cấp để bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch trong các tình huống thiên tai. Trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về cách xử lý nước và vệ sinh môi trường cho cán bộ y tế, người dân tại các tỉnh, các vùng thường xuyên bị bão lụt. Tổ chức thực hành xử lý nước, vệ sinh môi trường cho cán bộ y tế, người dân.
Bão Yagi đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người. Công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau bão là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Sự tham gia tích cực của người dân, cùng với các biện pháp dài hạn như cải thiện cơ sở hạ tầng và quản lý rác thải, sẽ giúp miền Bắc không chỉ hồi phục mà còn vững vàng hơn trước những thách thức từ thiên tai trong tương lai.
Nguyễn Quý/Kinh tế & Đô thị