Ảnh minh họa. Nguồn: INT
Bài học từ sự phối hợp giữa chính sách công và đầu tư tư nhân
Theo kinh nghiệm của IFC - tổ chức phát triển lớn nhất toàn cầu tập trung hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân tại các thị trường mới nổi, việc thúc đẩy tài chính xanh mang lại tác động đáng kể và làm thay đổi thị trường. Một ví dụ điển hình là Colombia, sự phối hợp giữa chính sách công và đầu tư từ khu vực tư nhân đã khiến quốc gia trở thành người dẫn đầu trong xây dựng xanh.
Năm 2015, chính phủ Colombia đã ban hành bộ quy tắc xây dựng xanh bắt buộc đầu tiên ở Mỹ Latinh. Điều này bao gồm các yêu cầu tối thiểu cho việc xây dựng các tòa nhà chung cư và thương mại mới nhằm đảm bảo tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thấp hơn so với các tòa nhà thông thường.
Bằng cách thiết lập hướng dẫn rõ ràng cho chính sách công, cùng với nhiều chính sách ưu đãi thuế cho các công nghệ xanh và các dự án xanh được chứng nhận, Chính phủ đã nâng cao nhận thức trong ngành và thành công trong việc kích hoạt làn sóng đầu tư từ khu vực tư nhân vào các tòa nhà xanh, tổng cộng đã lên đến 9 tỷ USD, theo ước tính của IFC.
Môi trường thuận lợi này cũng đã tạo niềm tin cho các ngân hàng để khởi động chương trình tài chính hỗ trợ xây dựng công trình xanh và các khoản vay mua nhà ở xanh.
Năm 2016, Bancolombia trở thành ngân hàng đầu tiên ở Mỹ Latinh tài trợ cho các tòa nhà xanh bằng cách huy động 400 triệu USD qua ba đợt phát hành trái phiếu.
Năm 2017, Phòng Thương mại xây dựng Colombia (CAMACOL) đã bắt đầu một chương trình nâng cao nhận thức về công trình xanh với các thành viên của mình để thúc đẩy chứng nhận EDGE, một sáng kiến của IFC (viết tắt của "Excellence in Design for Greater Efficiencies”, EDGE là một tiêu chuẩn, hệ thống chứng nhận công trình xanh quốc tế và là một ứng dụng trực tuyến).
Đến năm 2021, 05 ngân hàng đã cung cấp các sản phẩm tài chính xây dựng xanh - chủ yếu là các khoản vay có thế chấp là tài sản xanh: Bancolombia, Davivienda, BBVA, Banco Bogotá và Caja Social.
Năm 2021, khoảng 20% công trình xây dựng mới ở Colombia đã được chứng nhận là xanh, trong khi chỉ 04 năm trước đó, quốc gia này gần như không có tòa nhà xanh nào.
CAMACOL hiện đang thúc đẩy các thành viên hướng tới xây dựng không carbon. Trong khi đó, các ngân hàng đang tiếp tục tăng cường các sản phẩm tài chính cho xây dựng xanh: ngân hàng BBVA (Banco Bilbao Vizcaya Argentaria), chẳng hạn, có kế hoạch ra mắt tài chính ưu đãi cho các tòa nhà EDGE Advanced (chứng nhận đạt hiệu quả tài nguyên ở mức cao hơn).
Thành công của Colombia cần được nhận rộng tại các quốc gia mới nổi, bởi theo báo cáo mới nhất của IFC về công trình xanh cho thị trường mới nổi, việc cập nhật các quy định và các công cụ tài chính tại các quốc gia mới nổi sẽ có tính quyết định đối với việc phát triển của thị trường công trình xanh ở những quốc gia này.
Thống kê cho thấy, thị trường tài chính bền vững tại các quốc gia mới nổi đang có xu thế phát triển chậm hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Theo báo cáo trên của IFC, trong số 230 tỷ USD nguồn vốn xanh được tài trợ từ khối tư nhân vào năm 2021 cho các dự án xây dựng, chỉ 10% trong số nguồn vốn đó đó được cấp ở các thị trường mới nổi, chủ yếu là Trung Quốc.
Cho đến nay, hầu hết các nguồn vốn xanh này đã được hướng vào việc xây dựng và vận hành các tòa nhà. Chỉ 9% tổng số vốn đã được đầu tư vào việc xanh hóa các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng - khu vực chịu trách nhiệm cho gần một nửa lượng khí thải carbon của chuỗi giá trị.
Ghi nhận những giao dịch có quy mô lớn
Tại thị trường Việt Nam những năm trở lại đây, thị trường tài chính xanh, trái phiếu xanh cũng đã ghi nhận những giao dịch với quy mô lớn, đặt nền móng cho mảng tài chính xanh tập trung cho công trình xanh.
Trái phiếu gắn với phát triển bền vững đầu tiên được phát hành tại Việt Nam bởi BIMLand và các công ty thành viên có quy mô 150 triệu USD và được đăng ký mua thành công bởi IFC.
BIMLand sẽ sử dụng khoản tiền này để phát triển các dự án BĐS bền vững, hướng tới việc giảm phát thải từ quá trình xây dựng và vận hành công trình, tối ưu chi phí và bảo vệ môi trường.
Trước đó, BIMLand cũng đã thành công trong việc huy động trái phiếu xanh trị giá 200 triệu USD trên thị trường chứng khoán Singapore cũng để phát triển những dự án công trình xanh.
Với cam kết hỗ trợ quá trình chuyển dịch Net Zero của Việt Nam, IFC hỗ trợ các ngân hàng trong nước phát triển các sản phẩm tài chinh xanh, trong đó có tài chinh cho công trình xanh.
Mới đây, IFC đã đăng ký mua trái phiếu xanh lá cây trị giá 50 triệu USD nhằm giúp Ngân hàng SeABank mở rộng tài trợ các tài sản xanh trong các lĩnh vực như: tòa nhà xanh, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Đồng thời, IFC, với tư cách là tổ chức triển khai Chương trình Hỗ trợ thị trường xây dựng xanh của Vương quốc Anh và IFC (MAGC), sẽ cung cấp thêm tới 0,48 triệu USD phí ưu đãi dựa trên hiệu suất tài trợ của SeABank dành cho các khách hàng cá nhân vay mua nhà để giúp họ bù đắp các chi phí đầu tư ban đầu cho việc áp dụng các giải pháp công trình xanh đã được chủ đầu tư tính vào giá bán nhà.
Điều này hứa hẹn sẽ tạo được động lực thúc đẩy hơn nữa thị trường tài chính dành cho công trình xanh, giúp Việt Nam gia tăng số lượng tòa nhà xanh, cải thiện chất lượng cho các công trình hiện hữu, giảm phát thải khí nhà kính đồng thời mang lại lợi ích sử dụng lâu dài.
Một số công cụ tài chính thúc đẩy xây dựng xanh
1. Tài chính Kết hợp (Blended Finance): Là cách sử dụng các nguồn vốn ưu đãi từ các chính phủ, các quỹ từ thiện tư nhân và cá nhân… kết hợp cùng nguồn vốn thông thường từ khu vực tư nhân nhằm đạt được các mục tiêu phát triển, thường là các mục tiêu liên quan đến khí hậu. Bằng cách này, sản phẩm này có thể tạo ra nhiều tác động hơn trên mỗi USD tiền vốn so với các khoản đầu tư thuần túy, đồng thời giảm thiểu khả năng phân bổ sai nguồn vốn.
2. Trái phiếu chuyển đổi carbon và Danh mục khử carbon có thể góp phần vào việc khử carbon hoặc ngừng hoạt động các tài sản xây dựng gây ô nhiễm. Những trái phiếu này không yêu cầu mô hình kinh doanh hoàn toàn xanh mà phải trở nên "xanh hơn” theo thời gian, do đó giảm thiểu được giai đoạn sàng lọc và lựa chọn khắt khe của các nhà đầu tư đối với các công ty thép, xi măng và kính do đặc thù khó giảm thiểu và có cường độ carbon cao. Trái phiếu chuyển đổi hiện chưa được phát hành ở các thị trường mới nổi.
3. Khoản vay Liên kết bền vững có thể huy động đầu tư tư nhân để khử carbon cho các ngành sản xuất VLXD khó giảm thiểu bằng cách điều chỉnh các ưu đãi tài chính giữa các nhà đầu tư và nhà sản xuất vật liệu để giảm phát thải. Các công cụ ưu đãi này thường yêu cầu bên vay phải tuân thủ các chi tiêu về hiệu quả môi trường.
4. Quỹ Đầu tư mạo hiểm có thể tài trợ hoặc đồng tài trợ cho các công nghệ xây dựng khử carbon mang tính đột phá. Đầu tư mạo hiểm vào các thị trường mới nổi cho đến nay vẫn còn hạn chế do bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ yếu, thiếu các nhà đầu tư dài hạn và thiếu các lựa chọn thoái vốn do thị trường vốn chưa phát triển.
5. Vay trả góp xanh cung cấp cho người tiêu dùng các điều kiện ưu đãi, chẳng hạn như lãi suất thấp hơn và/hoặc thời hạn dài hơn, để mua các BĐS có mức tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon thấp hơn. Thế chấp xanh có thể có khoản trả trước thấp hơn so với các lựa chọn thông thường vì các tòa nhà xanh tiêu thụ ít năng lượng hơn, do đó có hóa đơn tiện ích thấp hơn, điều này có thể được tính là thu nhập của người vay.
6. Quỹ Đầu tư BĐS còn được gọi là REITs, có thể cấp vốn cho các tòa nhà xanh mới hoặc được cải tạo, thay đổi nâng cấp các vật liệu xanh. REITS được đánh giá có tiềm năng mở rộng tài chính cho việc xây dựng và vận hành các tòa nhà xanh. Các REITs xanh đã huy động khoảng 28 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2021 thông qua phát hành trái phiếu và cho vay, tăng từ 0,7 tỷ USD vào năm 2017.
7. Hợp đồng thuê dựa trên hiệu suất vận hành: Các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng có thể tài trợ cho các khoản đầu tư vào hiệu quả năng lượng và hoàn vốn thông qua việc tiết kiệm năng lượng theo thời gian. Các hợp đồng hiệu suất năng lượng có thể được sử dụng để tài trợ cho việc thu hồi nhiệt thải trong các nhà máy xi măng, hoặc ví dụ như, và có thể được sử dụng để tài trợ cho các nâng cấp hiệu quả năng lượng trong các nhà máy thép.
8. Trái phiếu bền vững giống như các trái phiếu thu nhập cố định thông thường, ngoại trừ việc các nguồn vốn được sẽ sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh cụ thể và cũng có thể được phân bổ cho các mục tiêu xã hội. Kể từ năm 2017, các tổ chức tài chính phát triển đã huy động khoảng 16 tỷ USD cho các tòa nhà xanh ở các thị trường mới nổi thông qua trái phiếu bền vững.
Đỗ Ngọc Diệp
Phụ trách Chương trình Công trình Xanh
và tăng cường khả năng chống chịu BĐKH, IFC Việt Nam
(Nguồn: Tạp chí Xây dựng)