Châu Á đối mặt với nắng nóng tàn khốc: Nguyên nhân và hậu quả

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/5/2024 | 10:49:07 AM

QLMT - Trên khắp Châu Á, nhiều khu vực đang chịu cái nóng cực độ của mùa hè sớm. Nhiệt độ cao chưa từng có, nắng nóng gay gắt đã lập kỷ lục và gây ra hàng chục vụ tử vong.

Đầu năm 2024, ngay khi mùa xuân chưa kết thúc nhưng hàng trăm triệu người dân tại Nam và Đông Nam Á phải đối mặt với một cơn ác mộng nhiệt đới. Nhiệt độ cao chưa từng có, nắng nóng gay gắt đã lập kỷ lục và gây ra hàng chục vụ tử vong. Thời tiết dự báo còn khắc nghiệt hơn trong tháng 5 và tháng 6, theo CBS News.

Trên khắp Châu Á, nhiều khu vực đang chịu cái nóng cực độ của mùa hè sớm. Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, và Thái Lan là một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại Ấn Độ, nhiệt độ vượt quá 43 độ C, thậm chí lên tới 46 độ C ở một số khu vực. Cục Khí tượng Ấn Độ đã đưa ra "báo động đỏ" cho nhiều bang miền Đông và miền Nam, nhấn mạnh nguy cơ của các đợt nắng nóng tiếp theo.


Người đàn ông té nước lên mặt để giải nhiệt giữa cái nóng ở quận Lalitpur, phía Bắc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: AP

Các đợt nắng nóng đã gây ra hàng chục vụ tử vong ở các nước này. Bangladesh đã phải đóng cửa tất cả trường học hai lần trong hai tuần qua do nhiệt độ lên tới gần 43 độ C. Tại Myanmar, nhiệt độ cao kỷ lục hơn 40 độ C đã được ghi nhận. Ở Thái Lan, chỉ số nhiệt đã đạt mức "cực kỳ nguy hiểm" vào ngày 2/5.

Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều quan điểm về nguyên nhân của hiện tượng này. Một số cho rằng El Nino, hiện tượng biến đổi nhiệt độ bề mặt biển ở Thái Bình Dương đã góp phần vào sự thay đổi về thời tiết toàn cầu. El Nino đang chuyển sang La Nina, gây ra sự nóng lên tối đa ở Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng ý với quan điểm này. Một số cho rằng các đợt nắng nóng không phải là do El Nino mà là kết quả của biến đổi khí hậu và các yếu tố khác như chu kỳ hàng năm.

Các đợt nắng nóng này gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nông dân và người lao động chân tay, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Mất mùa, thiệt hại về kinh tế và sức khỏe con người là những tác động không thể phủ nhận.

Nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào tuần trước: "Hàng nghìn kỷ lục đang bị phá hủy trên khắp châu Á, đây là sự kiện khắc nghiệt nhất trong lịch sử khí hậu thế giới".

Ko Barrett, Phó Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, cho biết vào tháng trước: "Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những sự kiện như vậy, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường chúng ta đang sống".

Giới khoa học và các nhà hoạt động môi trường liên tục kêu gọi các biện pháp giảm thiểu khí thải nhà kính để giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu. Cho đến khi những biện pháp này được thực hiện, số lượng nạn nhân của những đợt nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng. Điều đó đang đặt ra câu hỏi đau lòng: Làm thế nào để người dân có thể đối phó với những điều kiện sống nguy hiểm này?

LÂM HÀ

Tags Châu Á nắng nóng biến đổi khí hậu

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục