Người dân Hà Nội khổ sở vì nạn đốt rác, đổ trộm phế thải

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/3/2024 | 8:46:49 AM

Tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng với quy mô lớn đang diễn ra tại khu đất thuộc dự án Đề pô xe điện đoạn Nhổn - ga Hà Nội trên địa bàn phường Xuân Đỉnh, Hà Nội.

Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, việc tập kết trái phép phế thải xây dựng ở đây còn khiến những người dân xung quanh phải hứng chịu khói bụi do nạn đốt rác kèm theo. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì hoạt động này sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho nạn đổ phế thải, đốt rác bừa bãi diễn ra ngay giữa nội đô Hà Nội.

Vị trí vốn dĩ là Đầm Sen, thuộc diện đất nông nghiệp giao cho các hộ dân trên địa bàn phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm thầu khoán, nhưng giờ hiện trạng khu đầm như bị biến dạng. Nạn đổ trộm phế thải xây dựng đã dần xóa sổ diện tích mặt nước còn sót lại, biến dải đất rộng hàng nghìn m2 thành một nơi tan hoang.

"Bãi rác thải kia xưa không hề có. Khoảng 2 năm về đây, nó phình nhanh một cách kinh khủng. Đổ rác ngày đêm, nó to, đẩy ra ngoài hồ. Tại sao lại có chuyện đổ phế thải ra lấp cả một cái hồ giữa lòng thành phố như vậy. Đấy là điều mình rất ngạc nhiên", một người dân chia sẻ.


Ngay giữa ban ngày, hoạt động đổ phế thải vẫn diễn ra.

Không cần chờ đến tối, ngay giữa ban ngày, hoạt động đổ phế thải vẫn diễn ra. Nhìn từ trên cao cho thấy, có ít nhất 5 điểm đổ phế thải đang tồn tại. Một thủ đoạn chung, sau khi đổ, các đối tượng nhanh chóng san gạt tạo mặt bằng để biến thành nơi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng. Có vị trí, bãi trông xe và rửa xe trái phép đã được mọc lên.

Vì trong phế thải xây dựng, ngoài phần gạch đá, trạc thải…, còn lẫn đủ thứ rác bẩn. Những gì không san lấp được hoặc không tận dụng để bán được thành tiền thì được đốt ngay tại chỗ.


Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, việc tập kết trái phép phế thải xây dựng còn khiến người dân xung quanh phải hứng chịu khói bụi do nạn đốt rác kèm theo.

Vì ở kế bên, nên bao nhiêu bụi, khói độc, hàng nghìn hộ dân ở khu đô thị Ciputra đều phải hít thở. Nhiều lá đơn đã được gửi đi, nhưng đâu cũng vào đấy, nên việc duy nhất họ có thể làm là ghi hình làm bằng chứng để tố cáo về nạn đốt rác bừa bãi ở đây.

"Cái ngày họ đốt nhiều, khói đen kịt, nồng nặc cả khu. Trẻ con chạy vào hết", một cư dân sống tại Khu đô thị Ciputra cho biết.

"Không thể nào chịu được. Tất cả mọi người phải đóng cửa vào. Như tôi bị xoang, hơn 2 năm nay bị nặng hơn rất nhiều", một cư dân khác cho hay.

"Không có việc bảo kê. Đâu đó có việc người dân tận dụng đất dự án làm việc không đúng pháp luật thì chúng tôi sẽ giao cho công an kiểm tra vị trí phản ánh của người dân", ông Nguyễn Tự Mạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhận định.

Dù chỉ là phỏng đoán của người dân, nhưng khi nhóm phóng viên tiếp xúc với một người làm nhiệm vụ đếm xe chở phế thải tại một bãi đổ trộm, có thêm khá nhiều thông tin.

Đổ phế thải với quy mô lớn và đốt rác, hoạt động vi phạm này lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Một thực tế dễ nhìn, dễ thấy, nếu cơ quan quản lý trên địa bàn "không biết" thì chỉ có thể là "con voi chui lọt lỗ kim".

Theo VTV

Tags Hà Nội đốt rác đổ trộm phế thải phế thải xây dựng

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục