Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Khoa học Weizmann, Israel, được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences trong tháng này, kết luận rằng các loài động vật có vú hoang dã sống trên cạn ngày nay có tổng khối lượng 22 triệu tấn. Để so sánh, loài người hiện nay nặng tổng cộng khoảng 390 triệu tấn.
Đồng thời, những loài mà con người đã thuần hóa, chẳng hạn như cừu và gia súc, cùng với những loài "sống chung" với con người như các loài gặm nhấm sống trong các đô thị, nặng tổng cộng 630 triệu tấn. Con người và nhóm động vật này đều đang cạnh tranh với động vật có vú hoang dã để giành lấy tài nguyên của Trái đất. Chỉ riêng sinh khối (khối lượng của các cá thể sinh vật) của lợn đã gần gấp đôi sinh khối của tất cả các loài động vật có vú sống trên cạn.
Nghiên cứu nhấn mạnh, Trái đất hiện không còn là một hành tinh với những đồng bằng rộng lớn và những khu rừng rậm đầy ắp động vật hoang dã. Thay vào đó, thế giới tự nhiên và các loài động vật hoang dã đang biến mất trong khi dân số loài người tiếp tục tăng.
"Khi bạn xem phim tài liệu về động vật hoang dã trên truyền hình – chẳng hạn như về cuộc di cư của linh dương đầu bò – bạn có thể dễ dàng kết luận rằng động vật có vú hoang dã vẫn đang sống khá tốt", nhà nghiên cứu Ron Milo, tác giả chính của nghiên cứu, nói.
"Nhưng trực giác đó là sai. Những sinh vật này không sống tốt chút nào. Tổng khối lượng của chúng vào khoảng 22 triệu tấn, tức là chưa đến 10% tổng khối lượng của nhân loại. Và khi tính cả con người và tất cả gia súc, cừu và các vật nuôi khác của con người, tổng khối lượng gấp 30 lần động vật hoang dã. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại", Milo nói.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Nghiên cứu, có tiêu đề The Global Biomass of Wild Mammals, cũng tiết lộ rằng những loài động vật hoang dã sinh sống hiệu quả nhất là những loài dễ thích nghi hơn với sự hiện diện của con người, chẳng hạn như hươu đuôi trắng ở Mỹ và lợn rừng. Có thể tìm thấy cả hai loài này gần các khu định cư và đôi khi được coi như thú cưng. Milo cho biết thêm: "Ngay cả trong tự nhiên, dấu vết của loài người cũng rất rõ".
Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu sinh khối của khoảng một nửa số động vật có vú đã biết và sử dụng các mô hình tính toán học máy để tính toán nửa còn lại.
Những số liệu về động vật có vú trên cạn cũng tương tự với những con số được phát hiện về đại dương. Tổng khối lượng của các loài động vật biển có vú được tính toán là khoảng 40 triệu tấn. Cá voi vây có tổng sinh khối lớn nhất. Cá nhà táng và cá voi lưng gù lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba.
Các loài vật nuôi phổ biến cũng là những tác nhân chính gây ra tác động lên Trái đất. Chó nuôi có tổng sinh khối khoảng 20 triệu tấn, gần bằng tổng sinh khối của tất cả các loài động vật có vú hoang dã sống trên cạn; trong khi mèo có tổng sinh khối khoảng 2 triệu tấn, gần gấp đôi so với voi xavan châu Phi.
Nghiên cứu sinh khối không phải là cách duy nhất để định lượng thế giới động vật. Số lượng loài là một yếu tố khác. Ví dụ, người ta phát hiện có 1.200 loài dơi, chiếm 1/5 tổng số loài động vật có vú trên cạn và 2/3 tổng số cá thể động vật có vú hoang dã. Tuy nhiên, 1.200 loài dơi này chỉ chiếm 10% sinh khối của động vật có vú trên đất.
"Sinh khối là một yếu tố trong các chỉ số về đa dạng sinh học, đồng thời có thể đóng vai trò là chỉ số về dấu chân sinh thái trên quy mô toàn cầu”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Các ước tính được thực hiện mới cách đây 2 năm bởi cùng nhóm nghiên cứu cho thấy có khoảng 50 triệu tấn động vật có vú hoang dã trên Trái đất. Nhóm nghiên cứu cho rằng sự cạn kiệt các loài động vật có vú hoang dã cần được đánh giá là một vấn đề cấp bách. Nhóm dự tính sẽ tiếp tục đánh giá mức độ mất mát sinh khối xảy ra trong 100 năm qua.
Theo Công Nhất / Khoa học và Phát triển