Dễ bị tổn thương trong bối cảnh BĐKH
Đối với TP. Đà Nẵng, ngoài những biểu hiện biến đổi gia tăng về nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng thời tiết cực đoan (siêu bão, lũ lụt,…), thành phố cũng đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng có diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, tình hình bờ biển ở Đà Nẵng bị xâm thực xảy ra nhiều hơn và các loại thiên tai xảy ra với cường độ và tần suất ngày càng cao, gây hậu quả nghiêm trọng cho thành phố.
Trận mưa ngập lịch sử ngày 25/10/2022 nhấn chìm cả thành phố Đà Nẵng trong biển nước
Trung bình một năm, Đà Nẵng chịu ảnh hường từ 2 - 3 xoáy thuận nhiệt đới, gây thiệt hại nặng nề. Về mực nước biển dâng, theo số liệu đo từ vệ tinh, mức tăng trung bình là 3,69mm/năm và theo số liệu quan trắc tại trạm Sơn Trà, tăng trung bình 2,55mm/năm.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại Đà Nẵng khiến thành phố này đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt ngày càng gia tăng do sự bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn, không gian công cộng dành cho giao thông và mảng xanh ngày càng bị thu hẹp.
Sự đe dọa của mực nước biển dâng tác động đến cơ sở hạ tầng dọc bờ biển thường xuyên hơn. Mặt khác, với vị trí nằm ở hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, Đà Nẵng dễ bị tổn thương trước những tác động của mưa bão, lũ lụt, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH hiện nay.
Quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH
Nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các giải pháp được đề xuất theo hai hướng tiếp cận thích nghi và giảm thiểu sự ảnh hưởng của BĐKH.
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, thành phố tiếp tục triển khai việc đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, thời gian qua, Sở đã tổ chức Lễ Ký kết và Khởi động thực hiện Chương trình thí điểm Kiểm soát thí thải xe máy trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Cụ thể, các giải pháp thích nghi bao gồm việc đề xuất những biện pháp bảo vệ con người và không gian bằng cách giảm thiểu khả năng nhạy cảm với BĐKH, quản lý rủi ro, điều chỉnh các hoạt động kinh tế để giảm nhẹ ảnh hưởng và cải thiện khả năng sản xuất kinh doanh. Giảm thiểu là giải pháp làm chậm quá trình BĐKH bằng cách giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển, thực hiện cơ chế phát triển sạch.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch của thành phố cũng đã phân vùng bảo vệ môi trường với 7 phạm vi ưu tiên, bao gồm các khu vực như khu vực phát triển đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, trong đó đặt mục tiêu xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, các trung tâm thương mai dịch vụ, khu sinh thái,… gắn với bảo vệ cảnh quan cây xanh, mặt nước, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn tập trung của mỗi khu chức năng.
Hình thành các khu dân cư với mật độ xây dựng thấp, công viên sinh thái, phát triển hài hòa cảnh quan và môi trường. Có các giải pháp thu gom và xử lý nước thải hiệu quả, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh môi trường…
Có thể nói, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố là một bước khởi đầu quan trọng, là cơ sở nền tảng để tổ chức xây dựng, kiến thiết nên một "Thành phố môi trường”, "Thành phố sinh thái” trong tương lai.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt và công bố Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, gồm 21 khu vực, nhằm bảo vệ cảnh quan tự nhiên vùng bờ; giảm thiểu ảnh hưởng do sạt lở bờ biển và ứng phó với BĐKH.
Tiếp tục triển khai các quy định pháp luật về ứng phó BĐKH tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với BĐKH; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (theo hướng dẫn của Bộ TN&MT tại văn bản số 1354/BTNMT-BĐKH ngày 16/3/2022).
Hoàn thành trình UBND thành phố gia hạn Dự án "Hỗ trợ phát triển Kế hoạch hành động BĐKH của TP. Đà Nẵng và các dự án công nghệ các-bon thấp” do Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ...
Sở TN&MT tham mưu UBND thành phố về việc hợp tác giữa thành phố Yokohama và TP. Đà Nẵng hướng đến mục tiêu không các-bon vào năm 2050. Đã trình UBND thành phố về việc ký cam kết tham gia Mạng lưới Thỏa thuận toàn cầu của các Thị trưởng trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng (GCoM) và tham dự Hội thảo Tập huấn Quốc gia về Giảm nhẹ của Hiệp ước Thị trưởng Toàn cầu năm 2022 tại Việt Nam. Thành phố cũng đã có thư gửi Mạng lưới các thành phố có khả năng chống chịu về việc tham gia Chương trình "Hỗ trợ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của thành phố”.
Theo Anh Dũng/Báo Tài nguyên và Môi trường