GS Đặng Hùng Võ: Bắc Ninh cần kiên định giải quyết vấn đề ô nhiễm làng nghề

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/3/2023 | 3:50:15 PM

QLMT - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao những nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm làng nghề của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua.

Tuy vậy, theo GS. Đặng Hùng Võ, việc giải quyết ô nhiễm làng nghề ở Bắc Ninh là một vấn đề khó, bởi các làng nghề ở Bắc Ninh chủ yếu do các hộ gia đình làm theo phương thức truyền thống, ô nhiễm cực kỳ cao như các nghề làm nhôm, làm giấy, thu gom phế liệu… Thu nhập từ các nghề đó không đủ giải quyết ô nhiễm.

Vì vậy, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, tỉnh Bắc Ninh cần kiên định mục tiêu xử lý ô nhiễm làng nghề, đặc biệt là định hướng xoá bỏ các làng nghề ô nhiễm, chuyển đổi thành cảng cạn IDC, dịch vụ logicstics và khu đô thị. 


GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Tuấn Trần). 

Theo thông tin, hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê, đúc nhôm chì Văn Môn, sản xuất sắt thép tái chế Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, làm bún Khắc Niệm… Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề đã góp phần quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ mang tính thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải đồng bộ.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm Công nghiệp Phú Lâm, (huyện Tiên Du) và Cụm Công nghiệp, cơ sở sản xuất giấy ở phường Phong Khê, (thành phố Bắc Ninh) đã diễn ra trong nhiều năm, có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất được đổ ven đê sông Ngũ Huyện Khê, các khu vực đất trống (khối lượng tồn đọng khoảng trên 30.000 tấn); khí thải của hơn 320 lò hơi không được xử lý triệt để gây ô nhiễm không khí; các cơ sở sản xuất xả nước thải (khoảng trên 20.000 m3/ngày đêm ) không qua xử lý ra các kênh, cống rãnh, ao hồ, đồng ruộng xung quanh sau đó chảy ra sông Ngũ Huyện Khê và chảy vào Sông Cầu gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh.


Tình trạng ô nhiễm của làng nghề Phong Khê ở trình trạng báo động.

Tại phường Phong Khê hiện có tổng diện tích đất sản xuất kinh doanh khoảng 39,05 ha. Trong đó CCN Phong Khê I có diện tích khoảng 9,23 ha; CCN Phong Khê II có diện tích khoảng 16,17 ha; trong khu dân cư có diện tích khoảng 13,65 ha. Tình hình vi phạm pháp luật đất đai khá phức tạp, tồn tại từ khi còn thuộc huyện Yên Phong cho đến nay. Các sai phạm tập trung ở việc sử dụng sai mục đích trên đất ở, đất nông nghiệp, đất cây xanh, đất giao thông… Qua nhiều năm, các doanh nghiệp tự hoán đổi diện tích, thu gom đất phục vụ cho việc xây dựng, nâng cấp nhà xưởng, đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất kiên cố và có giá trị lớn.

Toàn phường có 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy đang hoạt động (73 cơ sở hoạt động tại CCN Phong Khê I; 59 cơ sở hoạt động tại CCN Phong Khê II; 194 cơ sở nằm trong khu dân cư Dương Ô, Đào Xá, Châm Khê) và khoảng gần 1.000 cơ sở kinh doanh phụ trợ cho ngành tái chế giấy phế liệu. Hiện tại, qua kiểm tra của cơ quan chức năng chỉ có 52 cơ sở tại CCN Phong Khê I có hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; 05 cơ sở đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; 28 cơ sở tại CCN Phong Khê II có hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; 01 cơ sở đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Cụm Công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du có diện tích đất khoảng 24,6 ha (diện tích CCN cũ khoảng 19,5 ha và diện tích mở rộng khoảng 5,1 ha). Hiện nay có 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động (26 cơ sở sản xuất giấy, 03 cơ sở bán hơi, 03 cơ sở tái chế nhựa); có 20 cơ sở đã được phê duyệt hồ sơ môi trường và 04 cơ sở được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; có 21 cơ sở vi phạm pháp luật về đất đai (13 cơ sở sản xuất trong CCN lấn chiếm đất hành lang để Ngũ Huyện Khê, đất cây xanh, đất mặt nước chuyên dùng và 08 cơ sở lấn chiếm đất nông nghiệp, không thuộc quy hoạch của CCN Phú Lâm).

Tuệ Lâm (T/h)

Tags GS Đặng Hùng Võ ô nhiễm làng nghề giải quyết ô nhiễm

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục