Rác thải nhựa đang âm thầm tàn phá môi trường và sức khỏe

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/3/2023 | 4:00:54 PM

QLMT - Có đến 94% lượng rác thải ở các vùng ven sông và ven biển Việt Nam là rác thải nhựa, trong đó phần lớn là nhựa dùng một lần. Rác thải nhựa đang gây ra những nguy cơ lớn đối với môi trường và sức khỏe.

Hiện nay, xử lý rác thải và rác thải nhựa y tế bằng cách đốt vẫn diễn ra phổ biến.


Đồ họa: Hương Giang

Các hạt vi nhựa gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, PGS.TS Nguyễn Huy Nga- nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khoẻ (CHERAD) đặc biệt nhấn mạnh ảnh hưởng của rác thải nhựa đến môi trường sức khoẻ con người.

Vị chuyên gia này cho biết, rủi ro từ rác thải nhựa gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong suốt chu trình xử lý chất thải từ thu gom đến vận chuyển, phân loại, rửa, đun nóng và nấu chảy nhựa.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người làm việc trong môi trường hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất thải nhựa sẽ bị tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp, các ảnh hưởng về da, mắt và các cơ quan cảm giác khác, hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, hệ thống miễn dịch và thận,... và thậm chí gây đột biến gen.

"Các hạt vi nhựa rã ra từ chất thải nhựa đi theo một vòng tuần hoàn từ đất đai lên cây trồng, động vật, thủy hải sản... xâm nhập vào cơ thể con người, khiến cho hệ thống, chức năng của cơ thể, gây nên nhiều bệnh từ tim mạch, nội tiết, bệnh thận, đặc biệt là gây nhiều loại ung thư..."- PGS Nga nhấn mạnh. 

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, các hạt nhựa bao gồm các hạt nhựa siêu nhỏ và nano có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường tiêu hoá, hít thở và hấp thụ qua da gây stress, gây độc tế bào. Thay đổi sự trao đổi chất và cân bằng năng lượng, phá vỡ chức năng miễn dịch gây ung thư. Hơn nữa, rác thải nhựa còn là vật trung gian truyền hóa chất và vi sinh vật độc hại.


PGS Nguyễn Huy Nga chia sẻ thông tin với phóng viên. Ảnh: Thùy Linh

Từ những ảnh hưởng nghiêm trọng trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga đưa ra một số khuyến nghị về chính sách như xây dựng hướng dẫn về tính tuần hoàn và nhựa; Phát triển mạng lưới nghiên cứu và đổi mới về nhựa; Phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm nhựa và nhựa tái chế; Cần đẩy mạnh phát triển và ứng dụng vật liệu, sản phẩm thay thế vật liệu, sản phẩm nhựa trước sự ô nhiễm từ chất thải nhựa;...

"Để giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thì từng cá nhân phải tự có ý thức tham gia bảo vệ môi trường, không sử dụng các sản phẩm là đồ nhựa dùng một lần”- PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

PGS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng để giảm thiểu tác hại từ ô nhiễm nhựa, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chủ động phân loại rác ngay tại nguồn.

Mỗi năm tiêu tốn 2,2 tỉ đô la cho hoạt động tái chế kém hiệu quả

Tại Việt Nam, khoảng 2,8 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm (xấp xỉ 7.800 tấn/ ngày). Rác thải nhựa chiếm 8-12% trong tổng số rác thải sinh hoạt. Trong số 80% nilon được dùng 1 lần, chỉ có 17% túi nhựa được tái sử dụng, chỉ khoảng 10% lượng rác thải nhựa được tái chế.

Thông tin được các chuyên gia đưa ra tại buổi "Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa- Khoảng trống chính sách cần thu hẹp” do Quỹ vì tầm vóc Việt (VSF) tổ chức ngày 28.2 tại Hà Nội.

Các giải pháp nhằm đối phó với vấn nạn rác thải nhựa trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đang tồn tại một khoảng trống rất lớn từ chính sách đến thực tế. 


Các chuyên gia, nhà báo đối thoại về khoảng trống chính sách trong quản lý nhựa và rác thải nhựa. Ảnh: Thùy Linh

Bà Kim Thuý Ngọc- Trưởng phòng Kế hoạch Hợp tác Quốc tế, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường (ISPONRE) cho biết: Ở Việt Nam, mỗi năm tiêu tốn 2,2 tỉ đô la cho hoạt động tái chế kém hiệu quả. Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.

Bà Ngọc đề xuất kiến nghị phải tăng thuế cho túi nilon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần để giảm lượng tiêu dùng.

Theo bà Ngọc, mặc dù hiện nay đã có các chính sách hỗ trợ cho tái chế chất thải, nhưng còn thiếu các hướng dẫn cụ thể để có các tiếp cận đến các ưu đãi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hơn nữa, Việt Nam cũng thiếu các hướng dẫn về lựa chọn công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm tái chế. Các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cần có hướng dẫn cụ thể hơn để có thể áp dụng trong thực tiễn.

Theo Thuỳ Linh/laodong.vn

Tags Rác thải nhựa âm thầm tàn phá môi trường tàn phá sức khỏe ô nhiễm môi trường

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục