Nam Định sẽ di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi làng nghề

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/2/2023 | 2:54:31 PM

QLMT - UBND tỉnh Nam Định lên kế hoạch di dời cơ sở ngành nghề không khuyến khích phát triển, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi làng nghề.

UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Công văn số 61/UBND-VP3 yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Văn bản nêu rõ, Nam Định có nhiều làng nghề, tuy nhiên công tác bảo vệ môi trường tại một số làng nghề còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, một số xã có làng nghề chưa lập và trình phê duyệt phương án BVMT theo quy định. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề phát triển tự phát, manh mún, quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hoạt động không liên tục, sản xuất theo thời vụ. Nguồn vốn có hạn nên việc đầu tư máy móc thiết bị mới vào sản xuất cũng như đầu tư cho công tác BVMT, xử lý chất thải còn khó khăn. Nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải tách biệt với hệ thống thu gom nước mưa, chưa có biện pháp xử lý nước thải, khí thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường, chưa có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu…


Nhiều làng nghề truyền thống gây ô nhiễm môi trường cao.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT làng nghề, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện một loạt các nhiệm vụ theo quy định của Luật BVMT.

Theo đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu chính quyền cấp huyện phải rà soát cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề. Cơ sở hộ gia đình không thực hiện kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài đưa vào kế hoạch chuyển đổi ngành nghề tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề.

Đồng thời, rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, bố trí phân bổ quỹ đất phù hợp với quy hoạch của địa phương để xây dựng các Cụm công nghiệp làng nghề gắn với BVMT để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

Đối với các sở, ngành, các đơn vị liên quan, ông Trần Anh Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo phải hướng dẫn các địa phương, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thực hiện quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường làng nghề. Rà soát tổng hợp, công bố danh sách các nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển và làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển, di dời ra khỏi làng nghề.


 
Các ngành nghề truyền thống cơ khí luôn có mực độ ô nhiễm vượt ngưỡng

Theo thống kê, toàn tỉnh Nam Định hiện có 142 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, có cả những làng nghề có lịch sử hình thành, phát triển gần 1000 năm. Chỉ có 45/142 làng nghề được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường, nhiều làng nghề hình thành mới không được khuyến khích phát triển và tình trạng ô nhiễm môi trường là vấn đề nổi cộm, nhức nhối kéo dài của nhiều làng nghề, như: tái chế nhôm Bình Yên (Nam Trực), sơn mài Cát Đằng (Ý Yên), rèn Vân Chàng (Nam Trực…)

Một trong những "điểm nóng” về ô nhiễm môi trường ở Nam Định là làng nghề từ nhiều năm nay được nhắc tới với cái tên Bình Yên mà không yên bình – làng nghề tái chế nhôm Bình Yên ở xã Nam Thanh, huyện Nam Trực.

Với gần 300 hộ hành nghề tài chế nhôm, sản xuất ngay tại khuôn viên nhà ở của mình. Bình quân, mỗi tháng làng Bình Yên tái chế khoảng 1.500 tấn nhôm phế liệu, sử dụng trên 40 tấn than đá và 2 tấn hóa chất để tẩy trắng sản phẩm. Với từng ấy nguyên liệu, mỗi ngày các hộ dân ở làng này thải ra ngoài môi trường 4-5 tấn chất thải nguy hại, hàng trăm mét khối nước thải chúa hóa chất tẩy rửa và cặn bã từ khâu tẩy rửa sản phẩm (gồm axit, xút, crom và một số hóa chất chuyên dụng khác) chưa qua xử lý. Nước thải thì được đẩy hết ra các rãnh trong làng rồi chảy ra kênh mương, chất thải thì chất đầy trên những con đường, đầu ngõ. Cùng với ô nhiềm nước là khói bụi, mùi khét lẹt bốc lên từ các lò nấu nhôm.

Mặc dù tháng 6/2008 các ngành chức năng của tỉnh Nam Định và Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Sỹ đã hỗ trợ làng nghề Bình Yên xây dựng 92 hố gas, 141 ống khói tại các hộ nhúng rửa sản phẩm nhôm, cô đúc nhôm, 186 thùng nhựa cho 93 hộ nhúng rửa sản phẩm, 30 thùng đặt tại kho chứa chất thải nguy hại tại bãi rác của xã. Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ là dụng cụ chứa chứ hoàn toàn không xử lí được các chất độc hại, ống khói cũng chỉ cao hơn căn nhà mái bằng chút ít nên khí thải vẫn luẩn quẩn trong khu dân cư. Đến nay, nó hoàn toàn không còn tác dụng.

Cách đây 20 năm, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt, cho triển khai tại đây một dự án khắc phục ô nhiễm, cải tạo môi trường với số vốn đầu tư gần 90 tỷ đồng, tập trung vào công tác tuyên truyền, cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải nguy hại, đất bị ô nhiễm. Xây dựng một trạm xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm. Tuy nhiên, dự án được đánh giá không mang lại nhiều hiệu quả.

Bên cạnh đó là làng nghề cơ khí Vân Chàng đã tồn tại hơn 700 năm với 283 hộ sản xuất, các sản phẩm chủ yếu gồm: nhôm thỏi, dao, kéo, xẻng, bánh lồng, phụ tùng xe máy, xe đạp... cũng trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Được biết, thị trấn Nam Giang đã lập phương án BVMT và được UBND huyện Nam Trực phê duyệt tại Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 17/9/2018, xác nhận Đề án BVMT đơn giản cho 283 hộ làm nghề theo quy định. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định cho thấy: nhận thức, ý thức về BVMT của các hộ sản xuất trong làng nghề còn hạn chế. Thị trấn Nam Giang chưa thực hiện đầy đủ một số nội dung theo phương án BVMT đã được phê duyệt. Chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và nước thải sản xuất, chưa tổ chức thu gom chất thải nguy hại về kho chứa,… 124 hộ sản xuất trong làng nghề có phát sinh khí thải chưa có biện pháp xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường.

Duy Anh (T/h)

Tags Nam Định cơ sở gây ô nhiễm làng nghề

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục