Phạt 13 năm tù cho đối tượng vận chuyển trái phép gần 10 tấn động vật hoang dã về Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/2/2023 | 3:23:00 PM

QLMT - Ngày 21/02/2023, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử đối tượng liên quan đến 02 vụ vận chuyển trái phép gần 10 tấn các loại sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê, xương sư tử từ châu Phi về Việt Nam phát hiện tại cảng Tiên Sa.

Theo đó, đối tượng Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1989, quê quán phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) được xác định là người đã thực hiện nhiều thủ đoạn để nhập lậu hai lô hàng cấm nêu trên về Việt Nam. Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Đức Tài 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS) và 03 năm tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 BLHS. Tổng hợp hình phạt, đối tượng nhận bản án 13 năm tù giam cho cả hai tội. Đối tượng cũng bị phạt bổ sung 50 triệu đồng.


Phiên tòa xét xử đối tượng Nguyễn Đức Tài ngày 21/02/2023

Trước đó tại khu vực cảng Tiên Sa (thành phố Đà Nẵng), Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan đã liên tiếp phát hiện hai lô hàng động vật hoang dã lớn vận chuyển trái phép từ châu Phi về Việt Nam. Cụ thể, ngày 17/07/2021, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện lô hàng từ Nam Phi về Việt Nam gồm 138 kg sừng tê giác, 3,1 tấn xương sư tử. Ngày 12/01/2022, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát hiện lô hàng vận chuyển từ Nigeria về Việt Nam, gồm 456,9 kg ngà voi và 6,2 tấn vảy tê tê.

Sau quá trình điều tra, ngày 22/06/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Đức Tài về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc, ENV chia sẻ: "Đây là một vụ án hết sức hiếm hoi phát hiện tại khu vực cảng biển mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã truy cứu trách nhiệm hình sự thành công đối tượng có liên quan. Tuy rất đáng tiếc vì chúng ta vẫn chưa thể phát hiện và xử lý những kẻ thực sự đứng sau lô hàng gần chục tấn động vật hoang dã này nhưng thành công bước đầu của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Đà Nẵng trong việc đấu tranh, làm rõ và xử lý nghiêm minh đối tượng Nguyễn Đức Tài là rất đáng ghi nhận, xứng đáng là tấm gương cho các địa phương khác noi theo về tinh thần đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã.”


Số tang vật trên lô hàng từ Nam Phi về Việt Nam do Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện ngày 17/07/2021.

Trong thời gian qua, đường hàng hải là một con đường mà nhiều đối tượng chuyên buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã xuyên quốc gia đã lựa chọn để đưa ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm khác về Việt Nam nhờ lợi thế vận chuyển được khối lượng hàng hóa lớn, giá cả phải chăng và rủi ro bị phát hiện cũng như xử lý thấp.

Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), từ năm 2015 đến nay, chỉ tính riêng ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê, các cơ quan chức năng trên cả nước đã phát hiện hơn 30 vụ vi phạm, thu giữ gần 80 tấn tang vật tại các khu vực cảng biển ở Việt Nam, chủ yếu là ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) và cảng Hải Phòng.

Tuy nhiên, ngoại trừ 4 vụ bắt giữ tại cảng Tiên Sa năm 2015 cùng liên quan đến một nhóm đối tượng đã được đưa ra xét xử vào năm 2018 và vụ án vừa được xét xử liên quan đến đối tượng Nguyễn Đức Tài nói trên, trong tất cả các vụ vận chuyển động vật hoang dã còn lại tại các cảng biển, các cơ quan chức năng đều chưa thể phát hiện và xử lý được các đối tượng có liên quan.

"Việt Nam hiện vẫn tiếp tục bị đánh giá là một quốc gia trung chuyển và tiêu thụ ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê lớn trên thế giới. Trên thực tế, đã hình thành nhiều đường dây do các đối tượng người Việt Nam đứng đầu chuyên buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp về Việt Nam để tiêu thụ hoặc đưa sang các quốc gia lân cận. Theo quan điểm của ENV, việc phát hiện, thu giữ một khối lượng lớn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng tại khu vực cảng biển là thành công bước đầu, góp phần làm đứt gãy chuỗi cung ứng và buôn bán động vật hoang dã, từ đó giảm thiểu một phần lợi nhuận bất chính của các đối tượng buôn bán trái phép.

Tuy nhiên, nếu chỉ bắt giữ tang vật mà không phát hiện và xử lý được các đối tượng có liên quan, đặc biệt là đưa được các đối tượng cầm đầu ra ánh sáng thì sẽ không triệt phá được các đường dây tội phạm và do đó không thể chấm dứt triệt để tình trạng vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia phức tạp như hiện nay. Với lợi nhuận đặc biệt lớn từ việc buôn bán động vật hoang dã, khi và chỉ khi các cơ quan chức năng mở rộng điều tra từ các vụ bắt giữ ban đầu để làm rõ đường dây, cách thức hoạt động cũng như tìm ra các đối tượng cầm đầu và xử lý nghiêm các đối tượng này theo đúng quy định của pháp luật thì chúng ta mới thành công trong việc triệt phá các đường dây tội phạm này, mang đến những bước tiến tích cực trong nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam” - Bà Hà chia sẻ thêm.

Lam Vy 


Tags vận chuyển trái phép động vật hoang dã buôn bán động vật hoang dã

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục