Theo bản đánh giá mới của Liên Hợp Quốc, lỗ thủng của tầng ozone, có nguy cơ khiến con người tiếp xúc với các tia cực tím có hại từ Mặt Trời, đang trên đà phục hồi hoàn toàn vào năm 2040 trên toàn thế giới, ngoại trừ các vùng cực.
Các vùng cực sẽ mất nhiều thời gian hơn, khi tầng ozone sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2045 ở Bắc Cực và đến năm 2066 ở Nam Cực. Theo AP đưa tin, tầng ozone bảo vệ Trái Đất đang phục hồi chậm nhưng đây là tín hiệu đáng mừng với tầng khí quyển của Trái Đất.
Kể từ giữa những năm 1970, một số khí được sử dụng trong các bình xịt và hệ thống làm mát (như tủ lạnh và máy điều hòa không khí) đã "bào mòn” tầng ozone. Năm 1989, gần 200 quốc gia đã nhất trí về Nghị định thư Montreal nhằm cấm các hóa chất gây phá hủy tầng ozone.
Đồ họa lỗ thủng ozone mới phát hiện ở Bắc Cực. Ảnh tư liệu: BIRA/ESA
Sau báo động về sự suy giảm tầng ozone vào những năm 1980, lớp khí quyển này đã dần được cải thiện nhờ nghị định thư Montreal năm 1989. Đây là một thỏa thuận quốc tế đã giúp loại bỏ 99% các hóa chất làm suy giảm tầng ozone, chẳng hạn chlorofluorocarbons (CFC).
Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cho biết hành động được thực hiện đối với tầng ozone cũng đã thúc đẩy phản ứng trước cuộc khủng hoảng khí hậu.
CFC cũng là khí nhà kính và việc tiếp tục sử dụng không kiểm soát chúng sẽ làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên tới một độ C vào giữa thế kỷ này, từ đó làm trầm trọng hơn một vấn đề vốn đã nghiêm trọng.
Petteri Taalas, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, cho biết hôm 9/1: "Hành động vì tầng ozone đã tạo tiền lệ cho hành động khí hậu”.
Trong khi đó, ông David Fahey, nhà khoa học tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, nhận định thách thức từ các loại khí nhà kính như carbon dioxide thậm chí còn lớn hơn, vì chúng tồn tại trong bầu khí quyển lâu hơn.
Không giống như CFC, vốn chỉ được sản xuất bởi một số ít công ty, khí thải từ nhiên liệu hóa thạch lan rộng hơn nhiều và gắn liền với hầu hết hoạt động trong xã hội.
Bên cạnh đó, báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cũng là báo cáo đầu tiên xem xét tác động tiềm tàng đối với tầng ozone của phương pháp geoengineering. Đây là một biện pháp can thiệp vào khí hậu, trong đó các hạt phản xạ, chẳng hạn lưu huỳnh, được phun vào khí quyển để làm chệch hướng ánh sáng Mặt Trời và do đó làm giảm sự nóng lên toàn cầu.
Theo báo cáo, phương pháp gây tranh cãi này có khả năng làm giảm nhiệt độ toàn cầu, nhưng có thể gây ra "những hậu quả không lường trước được, bao gồm cả tác động lên tầng ozone”.
Tầng ozone nằm ở độ cao khoảng 11-40 km so với bề mặt Trái đất, thuộc tầng bình lưu và có vai trò như một lớp "kem chống nắng” che chắn cho hành tinh khỏi tia cực tím (UV). Nếu không có lớp chắn này, ánh nắng Mặt trời sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm với con người và hầu hết các loài động thực vật. Đặc biệt, tia UV-B (làm cho da bị cháy nắng) ở cường độ cao có thể dẫn đến nhiều loại ung thư. Những nỗ lực bảo vệ tầng ozone cũng song hành với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hải Đăng (T/h)