Đồ nhựa sử dụng một lần là yếu tố góp phần khiến khủng hoảng khí hậu càng trở nên trầm trọng do đặc tính không thể phân hủy trong tự nhiên. Loại nhựa này ngày càng trở nên phổ biến do tính ứng dụng cao và độ tiện lợi, song theo báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), mỗi năm chỉ khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới.
Theo một báo cáo năm 2021 của tổ chức Beyond Plastics, quá trình sản xuất nhựa tiêu tốn nhiều năng lượng đến mức nếu ngành công nghiệp nhựa là một quốc gia thì nó sẽ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 5 trên thế giới.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Nhựa được ví như loại "than đá mới" do những tác động về môi trường mà nó gây ra. Trong khi thế giới đã ý thức về việc cắt giảm dần sử dụng năng lượng từ than đá - nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, thì các nhà bảo vệ môi trường đồng tình rằng việc sử dụng nhựa có thể sẽ còn tồn tại lâu dài, trừ khi con người cắt giảm đáng kể việc tiêu thụ.
Theo báo cáo của Beyond Plastics, ngành công nghiệp nhựa phát thải ít nhất 232 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm, tương đương với lượng phát thải trung bình của 116 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2020. Kể từ khâu sản xuất cho đến khi kết thúc vòng đời, nhựa sử dụng một lần luôn phát thải khí nhà kính, do đó các nhà môi trường cho rằng "cái giá phải trả" đối với khí hậu do sử dụng nhựa sẽ là quá đắt.
Tuy nhiên, việc tái chế nhựa dường như không đạt hiệu quả vì đa số rác thải nhựa cuối cùng vẫn bị chất đống ở các bãi rác, trong khi mọi kế hoạch tái chế đều không thể giải quyết được lượng khí phát thải từ khâu sản xuất.
Trước tình trạng đó, các nhà bảo vệ môi trường đã đưa ra một số khuyến nghị để đảm bảo hạn chế sử dụng nhựa, như nói "Không" với dao dĩa bằng nhựa, hạn chế tiêu thụ các loại nước đóng chai, sử dụng các túi mua hàng bằng giấy hoặc vải, lựa chọn các sản phẩm đóng gói bằng giấy thay vì nhựa,...
Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng cuối cùng, thế giới vẫn cần thay đổi trên quy mô lớn để có thể xử lý triệt để các tác động môi trường do ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và nhựa gây ra.
Trong đó, nhiều tổ chức đang nỗ lực thúc đẩy việc thông qua các dự luật giúp hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, theo đó tạo ra những thay đổi ở cấp quốc gia. Nhiều nước trên thế giới như New Zealand, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Chile, Hàn Quốc,... đã công bố các chính sách nhằm thắt chặt sử dụng chất liệu này, khi các chính phủ và tổ chức đều coi đây là một vấn đề vô cùng cấp bách, cần đến các giải pháp có ảnh hưởng lớn.
Lộ trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa dùng một lần ở Việt Nam
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm do những vật dụng bằng nhựa gây ra, Việt Nam cần thực hiện cắt giảm dần các sản phẩm này theo giai đoạn, kết hợp giữa các công cụ chính sách và cơ chế, bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng và thu phí, và cuối cùng là cấm sử dụng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy lợi ích mang lại của việc loại bỏ dần nhựa dùng một lần sẽ lớn hơn chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận theo từng giai đoạn để bù đắp thiệt hại cho người sản xuất đồng thời cần chuẩn bị các cơ chế khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp thay đổi hành vi. Báo cáo khuyến nghị Việt Nam có thể bắt đầu với những hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong cửa hàng ăn uống và các cơ sở lưu trú. Báo cáo cũng đề xuất thu phí đối với túi nhựa không phân hủy sinh học và cốc cà phê mang đi. Lộ trình hướng tới mục tiêu áp đặt lệnh cấm lưu thông các sản phẩm ống hút nhựa, túi nhựa khó phân hủy sinh học và hộp đựng thực phẩm.
An Đông (T/h)