Chật vật trong cuộc khủng hoảng năng lượng hoá thạch hiện nay, các chính phủ phương Tây hiện đang gấp rút phát triển các chiến lược để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và tìm kiếm nguồn khoáng sản quan trọng. Tại Mỹ, Đạo luật giảm lạm phát được thông qua gần đây bao gồm các ưu đãi lớn cho các nhà sản xuất xe điện để tìm kiếm các nguồn khoáng sản quan trọng từ các đối tác tin cậy. Vương quốc Anh đã công bố "chiến lược khoáng sản quan trọng”, bao gồm các nỗ lực mở rộng năng lực nội địa của mình trong lĩnh vực này. Liên minh châu Âu (EU) và Australia cũng đang thúc đẩy các sáng kiến tương tự.
Giới chuyên gia cảnh báo nếu không cẩn trọng, việc thúc đẩy chiến lược này của các nước phương Tây nguy cơ rơi trở về kịch bản tương tự hiện nay.
Khai thác tài nguyên mới còn gặp một rào cản khác: phản ứng của địa phương. Ở các nước giàu, sự khắt khe của các nhóm bản địa và môi trường có thể khiến quy trình xin phép phát triển các mỏ mới có thể mất hàng thập kỷ. Ở các nước có thu nhập thấp, việc phát triển mỏ cũng thường vấp phải sự phản đối gay gắt của địa phương. Ở các nước như Mỹ, Peru, Bồ Đào Nha và Serbia, vô số mỏ mới được đề xuất để khai thác các khoáng sản quan trọng gần đây đã bị chặn lại hoặc trì hoãn do những sự phản đối này.
Nếu không giải quyết được khúc mắc này, các chính phủ phương Tây có thể sẽ phải đưa ra những lựa chọn dễ gây xung đột lợi ích - ví dụ sử dụng lý do an ninh quốc gia để khai thác các mỏ và cơ sở trong nước. Phương Tây cũng có thể sẽ tìm cách thúc đẩy các nước đang phát triển mở rộng sản xuất các khoáng sản quan trọng. Cả hai đều sẽ gây bất mãn ở cấp độ địa phương và là mô hình đáng buồn về địa chính trị năng lượng và tài nguyên trong tương lai.
Năm 2022, khủng hoảng thiếu nước sạch xảy ra tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới, từ Mỹ, châu Âu đến châu Á do phải hứng chịu nắng nóng hay mưa lũ kỷ lục. 47% diện tích châu Âu bị đe dọa bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 5 thế kỷ qua. Hạn hán làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng nông nghiệp của châu Âu.
Trong khi đó tại Mỹ, hạn hán và mực nước trong các hồ chứa giảm thấp kỷ lục khiến chính quyền liên bang phải cắt giảm nguồn nước từ sông Colorado. Dòng sông này cung cấp nước cho khoảng 40 triệu người dân khu vực miền Tây nước Mỹ. Nguồn cung nước giảm là một đòn giáng mạnh vào ngành nông nghiệp các bang ở hạ lưu sông.
Nguồn tài nguyên nước bị cạn kiệt có thể là vấn đề cấp bách nhất đối với Trung Quốc hiện nay, nơi đang có hơn 1,4 tỷ dân với tốc độ công nghiệp hóa ngày càng tăng. Theo tổ chức nghiên cứu Ready for Climate, Trung Quốc chiếm 20% dân số thế giới nhưng chỉ có 7% nước ngọt. Toàn bộ các khu vực, đặc biệt là ở phía Bắc, rơi vào tình trạng khan hiếm nước tồi tệ.
Có đến hàng nghìn con sông đã biến mất, trong khi quá trình công nghiệp hóa và ô nhiễm môi trường đã hủy hoại phần lớn lượng nước còn lại. Theo ước tính, 80-90% nước ngầm và một nửa nước sông của Trung Quốc không thể làm nước uống vì quá ô nhiễm. Trong đó, hơn một nửa lượng nước ngầm và 1/4 lượng nước sông thậm chí không thể được sử dụng cho công nghiệp hoặc nông nghiệp.
Thiếu nước sạch đang xảy ra tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới (Nguồn: Internet)
Tương tự, Ấn Độ đang phải đối mặt với những thách thức từ cuộc khủng hoảng nước. Theo các số liệu chính thức, Ấn Độ chiếm khoảng 17% dân số thế giới nhưng chỉ chiếm 4% nguồn nước ngọt trên thế giới. Điều đó khiến Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia chịu áp lực nặng nề nhất về nguồn nước trên hành tinh. Báo cáo của Cơ quan cải cách thể chế quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog) cho biết, khoảng 74% diện tích trồng lúa mì và 65% diện tích trồng lúa của Ấn Độ sẽ phải đối mặt với mức độ khan hiếm nước nghiêm trọng vào năm 2030.
Các chuyên gia chỉ ra rằng tình trạng khan hiếm nước phần nhiều do tác động của biến đổi khí hậu. Ví dụ ở Trung Quốc, nền văn minh dọc theo sông Dương Tử - Hoàng Hà nhờ phần lớn vào lượng mưa tự nhiên và băng tan từ cao nguyên Thanh Tạng. Tuy nhiên, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã khiến những con sông băng của Trung Quốc cạn kiệt, băng dần biến mất, khiến lưu lượng nước cung cấp cho sông Dương Tử đã giảm đi đáng kể. Mặt khác, nhiệt độ ngày càng tăng cao cũng làm thay đổi hoàn lưu khí quyển, khiến các đợt gió mùa ẩm không thể xâm nhập đến các khu vực phía Bắc. Do vậy, tình hình thời tiết khô nóng và hạn hán kéo dài xảy ra thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, còn có những bất cập trong việc quản lý như sử dụng nước sạch chưa hợp lý, xả nước thải chưa qua xử lý vào các dòng kênh và khu vực sông ngòi, dẫn đến làm ô nhiễm nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm cũng đang bị khai thác quá mức.
Đứng trước cuộc khủng hoảng thiếu nước sạch, nhiều giải pháp đã được đưa ra như công nghệ lọc nước tân tiến, hay ý thức cá nhân tự tiết kiệm nước hàng ngày. Nhưng giải pháp nào cũng đều đến từ một sự thừa nhận rằng nước là một tài nguyên quý giá và càng ngày càng khó khai thác. Trong khi dân số toàn cầu không ngừng tăng lên. Khủng hoảng xăng dầu - người ta đi tìm năng lượng điện, rồi khí hóa lỏng để thay thế. Khủng hoảng lương thực, người ta phát minh ra thịt làm từ protein thực vật. Nhưng nước là nguồn tài nguyên thiết yếu đến nay chưa có phương án thay thế.
Không chỉ tốn kém hàng tỷ USD, các vấn đề về tài nguyên đã kéo theo hàng loạt các thách thức khác bao gồm nhân khẩu học suy giảm, môi trường chính trị căng thẳng, sự đình trệ hoặc đảo ngược của nhiều cải cách kinh tế quan trọng,... gây ra những tác động rõ rệt.
Nguồn tài nguyên cát đang dần cạn kiệt
Một báo cáo được công bố vào tháng 4/2022 của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi thế giới phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn "cuộc khủng hoảng cát” đang tiến gần. Cụ thể, báo cáo do Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) thực hiện đã chỉ ra, cát là tài nguyên thiên nhiên được khai thác nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau tài nguyên nước.
Chỉ nói riêng trong ngành xây dựng, nhu cầu sử dụng cát để tạo ra vật liệu như kính, bê tông,… đã tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ qua, ước đạt 50 tỷ tấn/năm, tương đương khoảng 17kg/người/ngày. Nếu so sánh với tốc độ tái tạo địa chất tự nhiên thường kéo dài hàng trăm nghìn năm, tốc độ khai thác và sử dụng cát hiện tại đã ở mức báo động nghiêm trọng.
Đơn cử, ở lưu vực sông Mê Kông – con sông dài nhất Đông Nam Á, quá trình khai thác đất, cát trong những năm qua đã khiến đồng bằng bị sụt lún, dẫn đến xâm nhập mặn những vùng đất màu mỡ trước đây. Còn tại Sri Lanka, việc hút cát ở các con sông đã khiến đảo ngược dòng nước, khiến nước biển chảy ngược vào đất liền, gây ra những hiện tượng trái tự nhiên như xuất hiện cá sấu tại đất liền. Vấn nạn này hiện cũng đang nhức nhối ở châu Phi, khi các quốc gia đã và đang "xóa sổ” những bãi cát ven biển để phục vụ việc xây dựng thành phố và chạy đua kinh tế nhằm bắt kịp với các nước lớn.
Thế giới tiến gần cuộc khủng hoảng thiếu cát nếu không sớm có hành động (Nguồn; Internet)
Dù vậy, nhu cầu về cát của các quốc gia trên thế giới vẫn ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Chính vì thế, nạn buôn bán cát trái phép đã diễn ra và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nhiều nước. Điển hình như Ấn Độ, khai thác cát trái phép đã trở thành tệ nạn. Nhiều vụ giết người, đâm chém đã xảy ra chỉ vì tranh giành quyền khai thác.
Nguồn cung cát trở nên khan hiếm khiến cho giá của mặt hàng này tăng một cách nhanh chóng. Giá giao dịch cát đã tăng lên gần 6 lần trong suốt 25 năm. Theo số liệu từ Centennial Construction Network cung cấp, giá cát tại Trung Quốc đang ở mức "cao ngất ngưởng”. Trên thế giới, nhiều nước đã tăng giá thành các sản phẩm có sử dụng cát là nguyên liệu do quá khan hiếm. Từ tháng 6/2022, 2 công ty sản xuất wafer silicon là ShinEtsu và SUMCO đã thông báo tăng giá bán với lý do đưa ra là bởi giá cát liên tục tăng mạnh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng không có một giải pháp riêng lẻ nào có thể giải quyết được vấn nạn này, các nhà quản lý phải nhìn thấy một bức tranh toàn diện nhằm cải thiện công tác quản lý tài nguyên cát, tạo cơ chế điều tiết toàn bộ chuỗi cung ứng, trong đó đặc biệt phải giám sát được các tác động đến môi trường và xã hội. Những giải pháp quan trọng bao gồm: giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và điều tiết ngành.
Thiên Bảo (T/h)