Vào khoảng 17 giờ trên đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), triều cường khiến nước dâng cao tràn lên nhiều đoạn đường, ngập gần nửa bánh xe. Nhiều phương tiện đang di chuyển trên đường lập tức bị tắt máy. Người dân lúng túng dắt xe vượt dòng nước để tìm chỗ khô ráo chờ nước rút. Nhiều nhà dân nhanh chóng làm rào chắn trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà. Các dịch vụ sửa xe cấp tốc trở nên "sôi động” khi ngày càng nhiều xe máy ngưng hoạt động vì bị nước tràn vào động cơ.
Nước ngập trên đường Bình Tây (Quận 6). Ảnh: HG
Bà Dương Thị Tư (ngụ đường Huỳnh Tấn Phát) cho biết, bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, cứ vào đầu tháng và giữa tháng, khu vực này lại bị ngập do triều cường. Ngày hai buổi sáng và chiều đều ngập, mỗi lần ngập là kéo dài vài giờ nước mới rút. Nhiều gia đình phải xây bờ đê hoặc xây dựng bậc thềm cao để ngăn nước vào nhà, nhưng tình hình không mấy cải thiện, bởi năm sau lại ngập nặng hơn năm trước.
Cùng thời điểm, trên đường Trần Xuân Soạn (Quận 7), nước ngập sâu tại nhiều tuyến hẻm. Nhiều người dân phải xắn quần lội nước để vào nhà. Một số người không may vấp phải hố ga nhưng người dân xung quanh đã kịp thời ra hỗ trợ. Lực lượng dân phòng phải sử dụng ghế nhựa, cây gỗ để cảnh báo người đi đường quanh khu vực có hố ga, xoáy nước nguy hiểm. Nhiều người dân cho biết phải gửi xe máy chỗ khác để lội bộ về nhà chứ không dám đi vì sợ ngã và xe dễ chết máy.
Tại huyện Nhà Bè, nước từ các miệng cống dâng lên gây ngập sâu nhiều khu vực trên đường Lê Văn Lương, nhất là đoạn gần cầu Rạch Tôm. Sau khoảng 1 tiếng kể từ khi nước dâng, rất nhiều xe mô tô bị chết máy trên đường, phải nhờ đến lực lượng "cứu hộ” bất đắc dĩ là xe ba gác chở vào nhà. Nhiều tài xế xe công nghệ phải thả hành khách xuống giữa đường thay vì chở về tận nhà trong sâu các khu dân cư vì lo ngại nước ngập sẽ làm hỏng xe.
Người dân nơi đây cho biết, vào những tháng cuối năm, đường Lê Văn Lương ngập mỗi tháng ít nhất 15 ngày, tương ứng với 2 lần triều cường. Nước từ cống, hệ thống kênh rạch dâng lên rất nhanh, sau khoảng 2 tiếng đồng hồ mới rút. Để đối phó với triều cường, hầu hết người dân sống dọc đường Lê Văn Lương đều tôn nền lên cao, ít khoảng 50cm, cao khoảng 1m so với mặt đường. Tuy nhiên, đôi khi nước vẫn len lỏi qua các bậc tam cấp dùng để chạy xe máy để tràn vào nhà, nhất là những hôm triều cường đạt đỉnh.
Người dân di chuyển rất khó khăn. Ảnh: HG
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ngày 26/10 tiếp tục lên theo kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch; đỉnh triều đạt 1,73m (cao hơn mức báo động III 0,13m). Ngày 27/10, đỉnh triều dự báo tiếp tục ở mức cao, tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể lên mức 1,67 - 1,72m (cao hơn mức báo động III từ 0,07 - 0,12m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 5 - 7 giờ và 17 - 19 giờ. Trạm Thủ Dầu Một có thể lên mức 1,72 - 1,77m (cao hơn mức báo động III từ 0,12 - 0,17m).
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do tình hình ngập nước khi xuất hiện triều cường tại các khu vực có địa hình trũng thấp, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng ngập theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Đặc biệt là với những tuyến đường thuộc khu vực trũng thấp, Trung tâm triển khai một số giải pháp như: Xây dựng các tường chắn chống tràn, sửa chữa, gia cố và vận hành các van ngăn triều tại đầu các cửa xả, tổ chức vận hành các trạm bơm, cống Kiểm soát triều khống chế mực nước trong một số tuyến kênh, rạch; tổ chức rà soát hệ thống điện chiếu sáng, không để tình trạng rò điện gây nguy hiểm... Trung tâm đề nghị người dân chủ động ứng phó, điều chỉnh sinh hoạt hàng ngày và có lộ trình di chuyển phù hợp trong thời gian xuất hiện triều cường.
Nguồn: TTXVN