Tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2022 | 10:52:27 AM

QLMT - Trong Chương 3 của Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã đề cập tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại tại Việt Nam với những số liệu thống kê rất cụ thể. Chuyên trang Quản lý Môi trường xin trích dẫn lại để quý bạn đọc tham khảo.

Thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo kết quả thống kê giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị tăng trung bình 2%/năm. Khu vực nông thôn có tỷ lệ thu gom trung bình đạt khoảng 63%, phần lớn CTRSH được xử lý bằng hình thức chôn lấp (chiếm 70% tổng lượng CTRSH được xử lý).

Theo báo cáo từ các địa phương, một số đô thị đặc biệt, đô thị loại I có tỷ lệ thu gom tại khu vực nội thành ở mức cao như Đà Nẵng (100%), Hải Phòng (98 - 99%), Hà Nội (93 - 94%), Thành phố Hồ Chí Minh (91%). Các đô thị loại II và III cũng có cải thiện đáng kể, đa số đều có tỷ lệ thu gom ở khu vực nội thành đạt trên 80 - 85%. Ở các đô thị loại IV và V, công tác thu gom chưa được cải thiện nhiều do nguồn lực vẫn hạn chế, công tác thu gom phần lớn do các hợp tác xã hoặc tư nhân thực hiện nên thiếu vốn đầu tư trang thiết bị.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại một số địa phương năm 2019:

Tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại tại Việt Nam
Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo công tác BVMT cấp tỉnh của các địa phương năm 2019

Tại các đô thị, việc thu gom, vận chuyển CTRSH do công ty môi trường đô thị hoặc công ty công trình đô thị thực hiện. Tại khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển CTRSH phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, do đó chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom CTRSH ở khu vực này.

Việc phân loại CTRSH tại nguồn chưa được triển khai thường xuyên, rộng rãi và không đồng bộ với hoạt động thu gom, xử lý. Hiện công tác phân loại CTRSH tại nguồn mới được thực hiện thí điểm tại một số khu vực của một số đô thị lớn. Phần lớn CTRSH đô thị chưa phân loại tại nguồn mà thu gom lẫn lộn và vận chuyển đến bãi chôn lấp.

Tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại tại Việt Nam - 2
Tuyên truyền phân loại rác tại nguồn cho các em học sinh tại Cần Thơ

Tại khu vực nông thôn, thực hiện tiêu chí số 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom CTRSH hoặc thí điểm các mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ, điển hình như tại tỉnh Hưng Yên, hiện đã có khoảng 98,42% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tham gia với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế. Việc thu gom, xử lý cũng mới bước đầu được áp dụng đối với CTRSH, từng bước hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan. Hiện có khoảng 40% số thôn, xã hình thành các tổ, đội thu gom rác tự quản với kinh phí hoạt động do người dân đóng góp, như tại huyện Bình Xuyên và Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Thanh Trì (Hà Nội), huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh)… Tuy nhiên, hiệu quả thu gom CTRSH còn thấp do hệ thống phân loại và tái chế rác hoạt động chưa tốt hoặc chưa có.

Hiện nay, trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH để thu hồi năng lượng phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý. Trong các cơ sở xử lý CTRSH, có 78 cơ sở cấp tỉnh, còn lại là các cơ sở xử lý cấp huyện, cấp xã, liên xã. Trên tổng khối lượng CTRSH được thu gom, khoảng 71% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bã thải từ các cơ sở chế biến compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt); 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Kết quả rà soát năm 2019 cho thấy, trong số 381 lò đốt CTRSH, chỉ có 294 lò đốt (khoảng 77%) có công suất trên 300 kg/h, đáp ứng yêu cầu của QCVN 61-MT:2016/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH). 

Với định hướng xử lý CTR tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, hiệu quả, quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam)... Điển hình là tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ chôn lấp CTRSH chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước). Đến nay cả nước đã có 59/63 tỉnh/thành phố phê duyệt quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn. Gần 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, trong đó đều đã xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ. 42/63 tỉnh/thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (như các tỉnh Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...).

Hiện nhiều nơi tại các vùng nông thôn đang có xu hướng đầu tư đại trà lò đốt CTRSH ở tuyến huyện, xã. Đây là giải pháp tình thế góp phần nhanh chóng giải quyết vấn đề xử lý CTRSH hiện đang tồn đọng tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nếu những lò đốt này không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong quá trình vận hành sẽ dẫn đến việc phát sinh ô nhiễm thứ cấp, phát thải các khí độc hại vào môi trường, đặc biệt phát thải dioxin và furan.

Công tác xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà máy xử lý CTRSH đang gặp khó khăn, chưa đạt được kết quả như mong đợi, đặc biệt trong việc vay vốn và trả nợ vốn vay. Nguồn thu từ phí xử lý CTR do địa phương cam kết chỉ đảm bảo khoảng 30% chi phí xử lý hằng năm, mức phí vệ sinh môi trường còn rất thấp. Doanh thu từ các sản phẩm tái chế (làm phân compost, sản xuất nhựa tái chế…) hiện khá thấp và không ổn định.

Thu gom và xử lý chất thải rắn y tế

Giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động thu gom và xử lý CTR y tế đã được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, việc đầu tư vẫn chưa được đồng bộ ở các tỉnh, thành phố. Theo số liệu báo cáo của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) về tình hình quản lý CTR y tế, đã có hơn 90% bệnh viện thực hiện thu gom hằng ngày và có thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương do các Sở Y tế quản lý, công tác thu gom, lưu giữ và vận chuyển CTR chưa được chú trọng, đặc biệt là công tác phân loại và lưu giữ chất thải tại nguồn.

Tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại tại Việt Nam - 3
Thu gom chất thải rắn y tế. Ảnh: baochinhphu.vn

Việc kiểm soát khí thải lò đốt CTR y tế được thực hiện thường xuyên hằng năm, theo Bộ Y tế (2020), có đến trên 80% số mẫu phân tích khí thải của 87 lò đốt CTR y tế thuộc 19 tỉnh/thành phố đều đạt QCVN 02:2012/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTR y tế); trong đó, tuyến Trung ương và tư nhân đạt 100%. Một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý CTR y tế nguy hại trên địa bàn, trong đó đưa ra các giải pháp ưu tiên xử lý CTR y tế tập trung theo mô hình cụm để hạn chế, thay thế các lò đốt tại chỗ, không đảm bảo xử lý khí thải đạt quy chuẩn.

Hiện nay, việc sử dụng công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường trong xử lý CTR y tế đã được khuyến khích và ưu tiên phát triển. Điển hình là công nghệ xử lý CTR y tế theo phương pháp khử khuẩn bằng lò hấp, lò vi sóng đem lại hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường, do sử dụng ở nhiệt độ dưới 400°C nên không phát sinh khí thải (đặc biệt dioxin/furan) và giảm tiêu thụ năng lượng.

Thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại

Đa số các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời CTR trước khi thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý. Một số KCN, khu chế xuất đã tổ chức thu gom, xử lý CTR tập trung. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài KCN, khu chế xuất, về cơ bản CTR đã được thu gom và chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR công nghiệp khá cao, đạt trên 90% khối lượng phát sinh.

Tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại tại Việt Nam - 4
Đến hết năm 2020, cả nước có 117 cơ sở xử lý CTNH đã được Bộ TN&MT cấp phép

Đến hết năm 2020, cả nước có 117 cơ sở xử lý chất thải nguy hại (CTNH) đã được Bộ TN&MT cấp phép, với tổng công suất xử lý khoảng 2 triệu tấn/năm. Tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định đạt 85% (tăng khoảng 6 điểm % so với năm 2017); trong đó có 04 địa phương đạt 100%, ngoại trừ Thái Nguyên và Bắc Giang có tỷ lệ thấp hơn 85%, các địa phương còn lại đều đạt >85%. Bên cạnh việc thu gom, tự xử lý CTNH trong nước, Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu CTNH ra nước ngoài (năm 2019, Bộ TN&MT đã chấp thuận cho 09 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu CTNH với tổng lượng là hơn 3.958 tấn), góp phần làm giảm áp lực về xử lý chất thải ở trong nước.

Nguồn: Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 


Tags thu gom xử lý chất thải rắn chất thải nguy hại chất thải công nghiệp chất thải y tế

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục