Tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/10/2020 | 4:20:56 PM

QLMT - Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số cả nước tập trung sinh sống ở nông thôn, do vậy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đã trở thành một phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, Chương trình NTM đã đạt được kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tiêu chí môi trường trong Chương trình vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất.

Kết quả 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 là một thành tựu to lớn, trên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, trong đó, đặc biệt là nội dung môi trường. Với sự xác định rõ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 là xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, hình thành các mô hình sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn, việc thực hiện tiêu chí môi trường mang lại những kết quả thiết thực.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, công tác BVMT nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 đã có bước đột phá lớn. Quan trọng nhất là sự chuyển biến nhận thức và chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp nên nhiều địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực và tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015 và từ năm 2016 đến nay, với định hướng xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam)... Nhiều xã, thị trấn ở các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Bạc Liêu và TP Cần Thơ... đã đầu tư lò đốt chất thải công nghệ trong nước hoặc nước ngoài để xử lý rác thải. Thực tế một số địa phương đã làm tốt việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, như Hà Tĩnh giảm được tổng lượng phát sinh rác thải ra môi trường đến 60%. Tại Đồng Nai, lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý khoảng 1.838 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 98,1%, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn trong sinh hoạt chỉ còn khoảng 43%.

Đến nay, cả nước có hơn 5.800 xã đạt tiêu chí về môi trường. Nhằm thực hiện tốt cũng như bảo đảm tiêu chí môi trường, các địa phương đã vận dụng sáng tạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện thực tế, nhằm đẩy nhanh hoàn thành tiêu chí này. Tiêu biểu như các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Yên có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt, đầu tư lò đốt rác... xây dựng các mô hình xanh, sạch, đẹp. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo như con đường, làng bích họa, dòng sông không rác, biến bãi rác thành vườn hoa, tuyến đường xanh, sạch, đẹp. Tại Đồng Nai, Hậu Giang, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Nam Định…, số huyện có tuyến đường trồng cây xanh, hoa đạt hơn 50%.


Hội Nông dân huyện Tân Yên , Bắc Giang tổ chức "Lễ ra quân trồng cây hưởng ứng xây dựng nông thôn mới nâng cao”.

Cần phải khẳng định rằng, việc thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn. Như các tiêu chí về nghĩa trang, cây xanh, xử lý chất thải rắn, nước thải. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, nhất là cấp xã cho nên chưa theo kịp những diễn biến về môi trường; việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt, nước thải cụm dân cư, làng nghề còn lúng túng dẫn đến lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế; ý thức người dân chưa có nhiều chuyển biến…


Xã Hải Lộc (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) xây dựng, duy trì tuyến đường hoa, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới các địa phương cần quan tâm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề; cải tạo kênh, mương, cống rãnh, ao hồ; xây dựng cảnh quan, hình thành các điểm sinh hoạt công cộng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường để phù hợp thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu, tiêu chí; các bộ, ngành, địa phương cần thu hút doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường bằng việc ban hành cơ chế giá dịch vụ bảo vệ môi trường và thực hiện công khai, minh bạch; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý, xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải; phát huy hết mức vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn; vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh; huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, bản... để các hộ gia đình nghiêm túc thực hiện; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu dân cư…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay 42 trong số 63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn; trong đó một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh); có 16 trong số 63 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh là: TP Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Trà Vinh, Bạc Liêu.

PGS.TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN
Nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ - Môi trường Hà Nội.

 


Tags tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục