Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Đoàn công tác tại Hòn Quéo.
Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư với các hạng mục công trình chính là Tuyến kè chống sạt lở bờ biển khu vực Hòn Quéo, gồm 2 đoạn tuyến kè với tổng chiều dài 4.000 m, chiều dài đoạn khóa kè là 94 m. Đoạn phía Bắc dài 1.220 m, đoạn phía Nam dài 2.780 m. Cao trình đỉnh kè: + 2,0 m; Bề rộng kè: 2,6 m.
Trong giai đoạn thi công, xây dựng bụi, khí thải từ máy móc thi công, tiếng ồn, rung; chất thải xây dựng, chất thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, nước thải xây dựng; chất thải nguy hại… tác động đến hoạt động giao thông đường thủy, đường bộ, ảnh hưởng đến chất lượng nước biển ven bờ, từ đó ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh và khu vực nuôi trồng thủy sản quảng canh và thâm canh phía trong bờ gần khu vực thi công; phát sinh nước thải sinh hoạt từ công nhân thi công 20 người với khoảng 0,9 m3/ngày/đêm.
Nước thải từ các phương tiện phục vụ thi công dự án chủ yếu chứa dầu, mỡ, bụi bám vào thiết bị máy móc bị rửa trôi trong quá trình vệ sinh, bảo trì máy móc; nước thải vệ sinh dụng cụ, tàu, xà lan, xe chở vật liệu xây dựng. Bụi, khí thải phát sinh từ phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị thi công, hoạt động xây dựng các hạng mục kè.
Chất thải sinh hoạt từ công nhân thi công (20 người) với khoảng 16 kg/ngày/đêm.
Chất thải xây dựng thông thường chủ yếu là vỏ bao xi măng với khoảng 13.690 vỏ bao, chất thải nguy hại phát sinh từ các phương tiện thi công và khu vực lán trại phục vụ thi công xây dựng gồm một số loại như giẻ lau dính dầu mỡ, dầu nhớt thải, ác quy thải…
Vì vậy, để bảo vệ môi trường của dự án, chủ dự án sẽ tổ chức thuê nhà dân cho công nhân sinh hoạt. Đồng thời, bố trí 4 nhà vệ sinh di động trên 4 sà lan thi công cống. Các nhà vệ sinh có hệ thống bể tự hoại composite. Nguồn nước thải từ các nhà vệ sinh được xử lý sơ bộ và được các đơn vị có chức năng thu gom định kỳ.
Nước vệ sinh tàu thuyền vận chuyển vật liệu thi công, nước dằn tàu sẽ do các chủ phương tiện thực hiện thu gom và xử lý đạt quy chuẩn QCVN 17: 2011/BGTVT và QCVN 100: 2018/BGTVT, không được phép thải xuống lưu vực. Các phương tiện chuyên chở vật liệu thi công đều phải đạt các tiêu chuẩn quy định của Cục đăng kiểm; che phủ bạt kín khi vận chuyển, không để rơi rớt vật liệu; không chở hàng hóa quá tải trọng cho phép; lập kế hoạch bố trí phương tiện ra vào tập kết vật liệu thi công phù hợp, tránh xung đột, va chạm. Các phương tiện, máy móc thi công cơ giới trên công trường đạt tiêu chuẩn quy định của Cục đăng kiểm về mức độ an toàn kỹ thuật và an toàn môi trường; bố trí thời gian thi công phù hợp, trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Thu gom toàn bộ chất thải xây dựng, chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại và lưu giữ ở vị trí phù hợp; phối hợp với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ các loại chất thải sinh hoạt và chất thải xây dựng bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường và tuân thủ các quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chât thải nguy hại.
Trong quá trình thi công xây dựng, dự án phải áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật phù hợp trong quá trinh thi công xây dựng và nạo vét luồng, bảo đảm các yêu cầu về tiếng ồn, độ rung đạt các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, QCVN 27:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung.
Lắp đặt biển cảnh báo, biển chỉ dẫn tại khu vực nạo vét luồng, xây dựng kè và phối hợp với cơ quan chức năng thông báo đến các chủ phương tiện vận tải thủy sử dụng tuyến luồng trong thời gian triển khai thi công xây dựng dự án. Sử dụng các phương tiện, trang thiết bị cần thiết và có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ở địa phương, cơ quan chức năng để phòng ngừa, ứng cứu và khắc phục các sự cố do tai nạn giao thông của tàu thuyền, tràn dầu, cháy, nổ và các rủi ro khác liên quan có thể xảy ra trong giai đoạn xây dựng.
Chủ đầu tư, đơn vị thi công cần phối hợp với cơ quan quản lý địa phương thông báo kế hoạch, thời gian thi công và thời gian ngừng thi công trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh ảnh hưởng của hoạt động thi công dự án đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân. Giám sát khối lượng chất thải rắn phát sinh, phân định và phân loại để quản lý theo quy định. Đối với chất thải nguy hại thực hiện báo cáo theo Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Được biết, huyện Hòn Đất có 25 km đê biển ở Hòn Quéo, xã Thổ Sơn bị sạt lở cần phải làm kè bảo vệ, tổng số vốn đầu tư khoảng 625 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bố trí kinh phí 100 tỷ đồng để khắc phục đoạn đê biển này.
TRƯƠNG ANH SÁNG