Hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp Ngọc Hồi gặp khó khăn trong việc duy tu, bảo dưỡng.
Theo số liệu của UBND huyện Thanh Trì, tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi có 34 doanh nghiệp hoạt động, thu hút khoảng 3.236 lao động, ước doanh thu gần 9.777 tỷ đồng. Tại đây, nước thải của các DN được xử lý khá triệt để; 100% DN đã đấu nối vào hệ thống thoát nước thải chung trên hạ tầng cụm. Công trình nhà máy xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi với công suất 1.800m3/ngày, đêm, đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải của các DN hoạt động trong cụm công nghiệp Ngọc Hồi (kể cả giai đoạn 2).
Hiện tại, hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp đáp ứng công suất và chất lượng duy nhất là cụm công nghiệp Ngọc Hồi cũng đang gặp khó khăn trong việc duy tu, bảo dưỡng vì nguồn kinh phí được giao thấp. Bên cạnh đó, nguồn thu dịch vụ ở mức thấp nên chưa bố trí được kinh phí để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, duy tu nạo vét hệ thống thoát nước.
Khác với cụm công nghiệp Ngọc Hồi, cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều lại được thành lập trên cơ sở làng nghề dệt Triều Khúc, xã Tân Triều cũ với tổng diện tích 105.777m2, trong đó có trên 50.000m2 được phân thành 6 lô với 80 ô đất để đấu giá phục vụ sản xuất. Với ngành nghề chủ yếu là sản xuất phụ gia ngành may, nhựa tái chế, sản xuất giấy, đồ gỗ, hàn xì, in, cơ khí… trong khi hệ thống xử lý nước thải lại xây dựng từ năm 2008, xuống cấp và cũ nát, không còn khả năng đáp ứng về công suất cũng như chất lượng nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định. Nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất, sinh hoạt đều do các DN chủ động đầu tư xây dựng công trình xử lý trước khi thải ra môi trường.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thanh Trì còn 4 làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề bánh chưng, bánh dày thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà; làng nghề miến dong, bánh đa thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa; làng nghề sản xuất nón lá Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng; làng nghề rượu Ngâu, thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp. Ở các làng nghề này, các hộ sản xuất đều kết hợp trong cụm dân cư, chưa được quy hoạch vào làng nghề tập trung để đầu tư hệ thống nước thải. Do đó, về cơ bản, nước thải được chính các hộ tự xử lý trước khi thải ra môi trường, chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Để bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn, những năm qua, huyện Thanh Trì đã vào cuộc quyết liệt, thanh tra, kiểm tra và xử lý mạnh mẽ những vi phạm phát sinh trong lĩnh vực này.
Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Trì Nguyễn Danh Huy, trong 5 năm, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức thanh tra, kiểm tra và phối hợp kiểm tra được 457 đơn vị sản xuất, kinh doanh; xử lý 79 đơn vị với tổng số tiền xử phạt hơn 4,5 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu của các đơn vị là: Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải; chưa thực hiện việc quan trắc môi trường định kỳ theo quy định; chưa có giấy phép môi trường được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật…
Huyện cũng đã buộc di dời khỏi địa bàn 5 đơn vị sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, gồm: Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Gia Phúc; Công ty TNHH Quốc tế Hồng Đức; Công ty TNHH Nông nghiệp tiên tiến Hà Nội; Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vinachali. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn đình chỉ có thời hạn đối với 11 đơn vị, buộc các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khẩn trương khắc phục vi phạm theo quy định…
Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động XLNT trên địa bàn huyện Thanh Trì vẫn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do ý thức của một bộ phận tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, do đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết nên một số DN, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ môi trường.
Làm việc với các sở, ban ngành liên quan, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên đề nghị rà soát kỹ công tác quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, bảo đảm khớp nối, đồng bộ, phù hợp với điều kiện huyện đang xây dựng lên quận.
Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp xử lý đối với vấn đề nước thải tại cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều. Về lâu dài, huyện cần phối hợp với Sở TN&MT rà soát đưa vào kế hoạch di dời đối với những nhà máy gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp ở lại trong TP, tiến tới hoạt động của các cụm công nghiệp phải khép kín.
Đối với vấn đề kinh phí và nguồn thu dịch vụ để duy trì, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên giao các Sở Tài chính, KH&ĐT, NN&PTNT… phối hợp với huyện Thanh Trì để có phương án phù hợp.
Được biết, ngoài 2 hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề ở Ngọc Hồi và Tân Triều, Thanh Trì còn có 59 hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung được UBND TP cấp phép, công suất đạt 9.385m3/ngày, đêm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đang được TP đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý nước thải đô thị của huyện và các quận, huyện lân cận với công suất 270.000m3/ngày, đêm, dự kiến vận hành vào cuối năm 2022.
Theo MT&CS