Văn bản nêu rõ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh, huyện Yên Phong và các đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát lại những khó khăn, vướng mắc về việc xây dựng định mức, đơn giá xử lý chất thải tồn đọng; công tác xử phạt hành chính và tạm giữ phương tiện vận chuyển chất thải trái quy định ra, vào xã; tiến độ thực hiện dự án CCN, khu xử lý chất thải tập trung... để kịp thời tham mưu với tỉnh có phương án giải quyết tối ưu nhất. Đây là động thái tích cực nhằm tiếp tục siết chặt các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại đây, sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng nhiều năm, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân, ổn định sản xuất.
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh khẳng định: Phải xử lý quyết liệt, triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, tuy nhiên cần phải có lộ trình phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi. Đây là quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc làm sạch môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nhiêm trọng trong tỉnh theo lộ trình đến năm 2025. Về các giải pháp trước mắt, tỉnh giao Công an tỉnh phối hợp với huyện Yên Phong tăng cường lực lượng, siết chặt quản lý nguyên liệu đầu vào tại các cửa ngõ ra vào làng nghề. Huyện Yên Phong, xã Văn Môn cũng đã thành lập các Đội tự quản bảo vệ môi trường tại làng nghề; tiếp tục thực hiện xử phạt nặng về kinh tế, đình chỉ sản xuất đối với các hộ vi phạm để tạo sự răn đe. Cái khó trong xử lý ô nhiễm môi trường tại xã nghề Văn Môn chính là việc xây dựng đơn giá xử lý khối lượng hơn 300.000 tấn chất thải tồn đọng ngoài môi trường từ nhiều năm nay; chưa giải phóng xong mặt bằng Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề Mẫn Xá, diện tích 3,8 ha; hều hết các cơ sở sản xuất chưa vào được CCN làng nghề Mẫn Xá do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư, diện tích quy hoạch 29,6 ha... nên bài toán xử lý ô nhiễm môi trường vẫn loay hoay chưa có lời giải thỏa đáng. Hiện nay, trong tổng số 297 hộ làm nghề cô đúc nhôm tập trung chủ yếu ở làng nghề Mẫn Xá, chỉ có 6 hộ sản xuất đóng thuế và cơ bản chấp hành các quy định về môi trường. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Vi phạm về xả thải, tiếp nhận chất thải công nghiệp làm nguyên liệu tái chế; hệ thống xử lý khí thải chưa đạt chuẩn hoặc không có; chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại đổ tràn lan ngoài môi trường; không có hoặc không đầy đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường; nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của các chủ sản xuất rất hạn chế, khiến ô nhiễm chồng ô nhiễm...
Để từng bước giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, huyện Yên Phong xây dựng Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, trọng tâm là đề xuất lộ trình chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời vào CCN làng nghề đối với các cơ sở tái chế nhôm giai đoạn 2022 - 2026. Đây là giải pháp có tính khả thi cao được tỉnh chấp thuận tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ lực: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các chủ sản xuất và người dân nơi đây; quản lý, xử lý cơ bản chất thải rắn làng nghề tồn đọng và phát sinh mới; giải pháp về xử lý khí thải; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; di rời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra CCN làng nghề Mẫn Xá. Hiện nay, huyện Yên Phong phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường thực hiện nhóm giải pháp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại xã nghề Văn Môn. Tổ kiểm tra liên ngành hoạt động 24/7, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các chủ sản xuất. Chỉ đạo xã Văn Môn lập kế hoạch thu gom, vận chuyển chất thải đổ bừa bãi ở các tuyến đường, kênh mương trong xã vào điểm tập kết tạm thời; lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các trục đường chính ra, vào xã để kiểm soát các hành vi vận chuyển phế liệu, đổ chất thải bừa bãi, có phương án xử lý kịp thời, tạo sức răn đe mạnh đối với các chủ sản xuất cố tình vi phạm. Trước những búc xúc về môi trường vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, tỉnh yêu cầu huyện Yên Phong chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề Mẫn Xá, gấp rút hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và phải tiến hành khởi công trong năm 2022. Đối với CCN làng nghề Mẫn Xá, đơn vị triển khai được 26,54 ha và tiếp tục mở rộng thêm 3,05 ha, đạt hơn 90% diện tích, cho hơn 100 cơ sở sản xuất thuê đất công nghiệp. Về diện tích mở rộng 3,05 ha đang tiến hành chi trả bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Huyện yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các cơ sở sản xuất trong làng nghề tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ sở sản xuất sớm được di rời vào CCN, góp phần hạn chế ô nhiễm, yên tâm sản xuất. Về Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng ngoài môi trường vẫn đang trong giai đoạn lập dự toán kinh phí thực hiện, định mức đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng. Tỉnh giao Sở Xây dựng, huyện Yên Phong phối hợp với Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, bảo đảm tính khách quan và khả thi cao, sớm giải quyết triệt để lượng chất thải tồn đọng trên. Cùng với việc bắt tay thực hiện nghiêm túc, có lộ trình Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề xã Văn Môn, Yên Phong cũng xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý chất thải rắn xỉ nhôm tại làng nghề Mẫn Xá., từng bước thực hiện thành công mục tiêu giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để người dân làng nghề phát triển sản xuất vẫn bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.
Văn Chuyên (T/h)