Bảo Lộc: Xin đừng giết chết dòng suối Cát!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/7/2022 | 3:23:37 PM

QLMT - Phải mất hàng triệu năm, thiên nhiên mới hình thành nên dòng suối đẹp đến nao lòng. Nhưng chỉ mất vài năm, dòng suối Cát đang chết dần bởi sự tàn phá của con người…

Món quà thiên nhiên

Ký ức về dòng suối Cát chạy dài qua nhiều xã trên địa bàn Tp. Bảo Lộc (Lâm Đồng) với người dân sống dọc mép sông vẫn vẹn nguyên. Suối bắt đầu tận nguồn cách trung tâm Tp. Bảo Lộc tầm 20 km đi xuyên rừng qua các xã Đại Lào, Lộc Châu…

Ngày trước, suối trong lành đến mức đứng trên bờ có thể nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, thấy cả rêu phong dưới đáy. Suối là nơi bà con lấy nước về ăn uống, sinh hoạt, hay phục vụ tưới tiêu. Những đứa trẻ lớn lên từ suối đều cảm nhận được sự mát mẻ, trong lành.

Nhưng nửa thế kỷ thôi, dòng suối Cát bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Suối đang chết dần chết mòn bởi sự tàn phá đến đáng sợ của những con người bất chấp lợi ích, bất chấp pháp luật.


Dòng suối đục ngầu ở hạ nguồn có màu đục ngầu do các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép xả thẳng xuống. 

Hôm rồi, chúng tôi đi vào phía thượng nguồn, nơi phát lộ dòng suối. Từ trung tâm Bảo Lộc, chạy xe máy khoảng 8 km, qua cầu Đại Lào, đi tiếp khoảng 6 km, xuống một con dốc lớn. Ngay phía chân đèo dốc, nơi đặt nhà máy xử lý rác thải Tp. Bảo Lộc, có 2 con đường men theo núi. Con đường bên trái, đi tầm 1km sẽ gặp thác nước rất hùng vĩ. Địa điểm này từng là nơi giới trẻ khắp nơi thường kéo lên đây du ngoạn, tắm suối, cắm trại vào mỗi cuối tuần.

Con đường dốc còn lại nằm bên tay phải, muốn đi vào phía thượng nguồn, phải băng qua con đường này với dốc núi lởm chởm đá cao thấp. Lúc chuẩn bị đi rừng, chúng tôi trang bị đầy đủ đồ nghề lương khô, ống nhòm phòng thân. Tôi và người dẫn đường băng băng trên chiếc xe máy, lao qua những vũng bùn lầy lội, vách đá lồi lõm ổ gà, ổ voi… – dấu tích con đường bị cày nát bởi các phương tiện chở cát, đá lậu đi qua vẫn còn đó.

Rong ruổi qua hơn 5 km đường rừng, nơi chúng tôi dừng chân là một dòng suối trong suốt. Nước suối chảy róc rách, trong veo. Chạm nhẹ bàn chân xuống nước, cảm giác mát lạnh đến run người. Nhìn dòng suối chảy gần như nguyên sinh, nơi chưa bị con người tàn phá, chúng tôi ao ước giá như, nếu con người không xâm lấn, hoặc có ý thức hơn trong việc giữ gìn thiên nhiên, có lẽ Tp. Bảo Lộc và các vùng lân cận sẽ được tận hưởng dòng suối trong lành.


Dòng suối trong vắt nơi thượng nguồn suối Cát.

Suối đang chết dần

Dưới dòng suối nơi gần giáp trung tâm Tp. Bảo Lộc, có đặt vài nhà máy khai thác đá, cát. Kể từ đó đến nay, người dân phải chứng kiến cả dòng suối luôn trong tình trạng đục ngầu, đỏ quạnh hoặc màu nước như pha sữa.

Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Tp. Bảo Lộc không đúng với báo cáo đánh giác tác động môi trường đã được phê duyệt, cùng với việc thiếu kiểm tra, xử lý quyết liệt của cơ quan chức năng đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Nhiều công ty dù được cấp giấy phép đầy đủ nhưng lợi dụng kẽ hở, lén lút xả thải không qua xử lý ra suối.

Suối bị tận diệt, kéo theo cả hệ luỵ. Đầu tiên là các loại tôm cá, vi sinh vật sống dưới nước gần như không thể tồn tại. Trước đây, nước từ suối rất trong xanh, người dân địa phương thường dùng trực tiếp. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, nước suối ô nhiễm nặng, đỏ ngầu, không thể sử dụng.

Nguồn nước bị ô nhiễm, không thể sử dụng vào sản xuất cũng như sinh hoạt khiến cuộc sống hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn. Suối Cát chảy qua các xã của Tp. Bảo Lộc về Bình Thuận bị bức tử trong nhiều năm là ví dụ điển hình về tội ác mà con người đang gây ra.


Nhiều điểm cát tặc khai thác dọc bờ suối.

Dọc tuyến đường nơi con suối chảy qua, không khó để chúng tôi nhìn thấy cả cát tặc mang hẳn máy xúc, xe tải, máy sàn lọc cát và huy động lực lượng lao động vào cào nát núi đồi. Núi lở, nước trôi, xả thải ra suối…, những hình ảnh hiện rõ, đập vào mắt bất cứ ai đi qua các tuyến suối xã Đại Lào. Người dân đều biết, và câu hỏi là chính quyền địa phương có biết thực trạng này không? Rồi sau này, thế hệ con cháu sẽ sống ra sao nếu như môi trường cứ bị chính con người vì chút lợi ích mà nhẫn tâm hủy hoại?

Ngọc Bình – Bình An

Tags Bảo Lộc suối Cát khai thác khoáng sản

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục