Hà Nội yêu cầu xử lý toàn bộ rác thải ùn ứ những ngày qua

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/6/2022 | 10:17:24 AM

Mặc dù có khu vực, đơn vị thu gom đã che bạt, cho rác vào túi kín nhưng do để lâu ngày rác bị phân hủy nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.


Rác ngày một nhiều lên tại phố Hoàng Ngân, quận Cầu Giấy (ảnh chụp sáng 17/6). Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Liên quan tình trạng chất thải rắn sinh hoạt tập kết trên đường phố, khu vực ngõ xóm chưa được thu gom, vận chuyển kịp thời gây mất vệ sinh môi trường và an toàn giao thông trong những ngày qua, ngày 17/6, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận chỉ đạo nhà thầu duy trì vệ sinh môi trường thực hiện thu gom, vận chuyển toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn về Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn theo quy định.

Ủy ban Nhân dân các quận chỉ đạo nhà thầu phối hợp chặt chẽ với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) trong việc tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, đảm bảo khu xử lý vận hành an toàn, hiệu quả.

Đối với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt chưa vận chuyển về khu xử lý do các yếu tố khách quan, Ủy ban Nhân dân các quận chỉ đạo nhà thầu có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường không gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Sở Xây dựng Hà Nội giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật tăng cường công tác quản lý, vận hành, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại các khu xử lý tập trung, đặc biệt là khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đảm bảo công tác tiếp nhận liên tục, an toàn; báo cáo sở các nội dung vượt quá thẩm quyền để được chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.

Như tin đã phản ánh, trong hai ngày (16-17/6), địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng rác thải ùn ứ tại nhiều tuyến phố nội đô nhất là tại các quận thực hiện thu gom rác theo hình thức xã hội hóa như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm.

Ghi nhận tại một số tuyến đường như Duy Tân, Xuân Thủy, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương, Hoàng Ngân, Phạm Hùng, Nguyên Khuê…, nhiều đống rác thải sinh hoạt bị lưu cữu, bày bừa tràn lan tại các điểm chân cẩu rác.

Tại các khu vực trên, nước rỉ rác đang chảy ra đường bốc mùi khó chịu. Mặc dù có khu vực, đơn vị thu gom đã che bạt, cho rác vào túi kín nhưng do để lâu ngày rác bị phân hủy nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân được xác định là do hạ tầng Khu Liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn đang quá tải khiến phương tiện đi vào bãi khó khăn, ảnh hưởng đến việc xử lý rác thải.

Ngoài ra, việc nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý chậm đi vào hoạt động cũng là nguyên nhân dẫn đến việc rác thải bị tồn đọng.

Theo lộ trình, từ ngày 30/4, lượng lớn rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố sẽ được chuyển về nhà máy này, song, do chưa hoàn thành đi vào vận hành nên lượng rác phát sinh lại phải chuyển về các bãi chôn lấp.

Trong khi đó, một số đơn vị thu gom rác tư nhân năng lực còn hạn chế dẫn tới ùn ứ rác.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, cũng do ảnh hưởng của các trận mưa lớn, các phương tiện vận chuyển rác nhỏ gặp khó khăn, kéo dài thời gian vận chuyển rác lên bãi rác Nam Sơn.

Bên cạnh bất cập, tồn tại về hạ tầng, một số doanh nghiệp thu gom rác tư nhân trên địa bàn Hà Nội đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố về việc bù giá chênh lệch nguyên liệu, vật tư thuộc gói thầu vệ sinh môi trường năm 2021-2023; đồng thời có cơ chế thanh toán chênh lệch giá nhiên liệu thực hiện theo quý và quyết toán theo năm.

Bởi thực tế hiện nay, giá nhiên liệu tăng cao hơn nhiều so với thời điểm đấu thầu các gói thầu vệ sinh môi trường nên doanh nghiệp bị đội chi phí thu gom, xử lý rác lên rất cao, khiến họ gặp khó khăn về tài chính để duy trì thu gom rác, dẫn đến việc khó huy động thêm phương tiện thu dọn rác, khiến rác thải bị ùn ứ./.

Theo TTXVN

Tags rác thải ùn ứ ô nhiễm môi trường chất thải rắn sinh hoạt

Các tin khác

Sau khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Theo WHO, sức khỏe của 99% dân số trên thế giới đang bị đe dọa khi hàng tỷ người vẫn đang hít thở không khí không lành mạnh.

Những ngày này, bên cạnh tập trung khắc phục các thiệt hại, sạt lở, úng ngập do ảnh hưởng của bão số 3, công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục