Ngày 5/4, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội chủ trì đã tiến hành giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn ,huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội chủ trì
Theo đại diện Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội, Nhà máy điện rác Nam Sơn được khởi công từ tháng 8/2019, đến nay nhà máy đã cơ bản hoàn thành 97% phần xây dựng, 92% phần lắp đặt.
Các hạng mục chính, phần xây dựng gồm nhà văn phòng, hệ thống hạ tầng đường, điện, cấp nước, thoát nước của Nhà máy đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công tác cuối. Trong phần thiết bị, giai đoạn 1, lò đốt số 3 đã xong lắp đặt thiết bị chính và phụ trợ, hiệu chỉnh tĩnh đã hoàn thành, sau khi có chấp thuận vận hành thử của Sở TNMT và đóng điện, sẽ tiến hành hiệu chỉnh liên động và đốt vận hành thử. Giai đoạn 2, dự kiến ngày 30/4/2022 hoàn thành lò hơi số 2; giai đoạn 3, lò đốt số 1, 5 thiết bị chính hoàn thành lắp đặt 100%, đang triển khai lắp đặt đồng bộ, dự kiến ngày 30/5/2022 hoàn thành.
Đã hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải, tháp làm mát, trạm xử lý nước thô, trạm bơm tổng hợp, trạm bơm tuần hoàn, cầu dẫn xe chở rác, kết cấu thép Nhà máy chính; các hạng mục bên ngoài nhà máy như công trình trạm bơm và tuyến ống cấp nước cũng đã được hoàn thành.
Có 821 nhân lực hoạt động trên công trường, trong đó người nước ngoài 105 người, nhân lực người Việt Nam 716 người. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 1 đến ngày 25/3/2022, số nhân công trên công trường mắc Covid-19 chiếm tới 89% tổng số nhân công. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là gần 7.169.085 triệu đồng, tương đương 319.463.704 USD, trong đó vốn góp thực hiện dự án 1.436.224 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư được các nhà đầu tư góp, vốn vay 5.732.981 triệu đồng, chiếm 80% tổng vốn đầu tư được nhà đầu tư vay từ các tổ chức tín dụng. Hiện dự án đã giải ngân 7.383.000 triệu đồng. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được hoàn thành vào tháng 10/2020, nhưng do dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ thi công so với yêu cầu, dẫn đến khối lượng rác phải tiếp tục tiếp nhận xử lý chôn lấp khoảng 1,4 triệu tấn.
Đến nay về xây dựng và lắp đặt thiết bị, dự án đã sẵn sàng vận hành giai đoạn 1 công suất 800 tấn/ngày-đêm; chỉ chờ các thủ tục xác nhận vận hành thử nghiệm những hạng mục môi trường, đấu nối điện. Vì vậy, để dự án có thể bước vào vận hành thử nghiệm từ ngày 25/4/2022, Công ty rất mong TP Hà Nội cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục quan tâm giúp dự án hoàn thành những thủ tục pháp lý về môi trường, sớm đưa Nhà máy đi vào vận hành thử nghiệm. Đơn vị cam kết sẽ tiếp nhận, xử lý đúng số lượng rác đã đăng ký trong năm 2022.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Thành phố Hà Nội rất quan tâm dự án này, làm sao đưa công nghệ mới vào xử lý rác, bảo vệ môi trường. Dự án được TP kêu gọi đầu tư từ năm 2017, theo tiến độ đơn vị cam kết, trong năm nay sẽ hoàn thành công suất 4.000 tấn/ngày -đêm để giải quyết toàn bộ rác phân luồng tại bãi rác Nam Sơn. Hiện TP đang đôn đốc giải quyết xong các thủ tục về cấp phép môi trường, đóng điện… để vận hành Nhà máy. Khi Nhà máy được kiểm toán giá đầu tư, các cơ quan TP sẽ thẩm định đơn giá chính thức của dự án, dự kiến trong năm nay. Với các công trình phụ trợ và xung quanh, đề nghị chủ đầu tư hoàn thành sớm, song song với Nhà máy, trong đó sớm tiến hành trồng cây, tránh để lầy lội. Với khu xử lý nước rác thải ra, giai đoạn 1 đã được hoàn thành, hằng ngày có hệ thống xử lý tự động nhưng các phần còn lại cũng cần đảm bảo tiến độ để hoàn thành đồng bộ với các hạng mục khác.
Ông Nguyễn Trọng Đông đề nghị Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội lưu ý phần vận hành bãi cần quan tâm để không để xảy ra sự cố; có kế hoạch đưa phần lò đốt rác và phát điện công nghiệp vào vận hành sớm; huyện Sóc Sơn khẩn trương hoàn thành GPMB phần diện tích còn lại để phục vụ giai đoạn 2 của dự án.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận : Đây là nội dung giám sát rất quan trọng bởi liên quan vấn đề môi trường, đặc biệt lãnh đạo TP Hà Nội qua các thời kỳ đã ra nhiều văn bản chỉ đạo xung quanh vấn đề này. HĐND TP cũng ưu tiên ban hành nhiều cơ chế chính sách liên quan dự án đầu tư và đảm bảo đời sống người dân khu vực. Trong đó, Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra chỉ tiêu rất cụ thể, phấn đấu thay thế dần công nghệ chôn lấp rác bằng công nghệ đốt rác để bảo vệ môi trường, đốt phát điện đạt 70%. Từ kiểm tra giám sát thực tế, TP sẽ có chỉ đạo kịp thời; Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với huyện Sóc Sơn, các sở ngành và UBND TP.
"Các cơ quan, đơn vị rà soát lại toàn bộ việc triển khai nhiệm vụ, đặc biệt công tác phối hợp với huyện Sóc Sơn, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, vận hành Khu liên hiệp. Trong đó, phân công phân nhiệm rõ ràng để tập trung gỡ những nút thắt, chọn những công việc cụ thể để ưu tiên tập trung, nhất là công tác GPMB. Sau giám sát kiểm tra, kết luận cần chỉ rõ lộ trình, tiến độ từng hạng mục" - Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.
Lưu ý việc xử lý nước rác rất quan trọng, hiện mới chủ yếu giải quyết được nước rác phát sinh trong ngày, chưa giải quyết được lượng nước tồn đọng đã rất lâu, Chủ tịch HĐND TP đề nghị: Sở Xây dựng chủ trì lựa chọn đơn vị có năng lực để đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên bố trí có mặt bằng xử lý.
Các đơn vị theo chức trách nhiệm vụ cần thực hiện với trách nhiệm cao nhất, vào cuộc tích cực. Tiến độ đốt rác phát điện của Nhà máy đã chậm nhiều so với kế hoạch ban đầu, nên chủ đầu tư cần tập trung tăng máy móc thiết bị và nhân lực, xây dựng kế hoạch rất chi tiết, trước hết để đảm bảo đợt 1 ngày 30/4/2022 đưa vào vận hành đúng dự kiến, không tiếp tục đẩy lùi thời gian. Sở Xây dựng và các sở liên quan có trách nhiệm tham mưu UBND TP tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo sâu sát, trách nhiệm để dự án không tiếp tục chậm tiến độ./.
Diệp Anh